Chủ động nguồn cung cấp cá giống, mở rộng diện tích nuôi cá thương phẩm, thâm canh tập trung các loài cá chủ lực đang trở thành một hướng đi mới góp phần khai thác lợi thế để phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Chủ động nguồn giống chất lượng
Năm 2019, Doanh nghiệp (DN) Tư nhân Quảng Hiếu, xã Tân Hưng (Lạng Giang) được phê duyệt chủ trì triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình ương và nuôi thương phẩm cá trắm đen, cá rô phi đơn tính đực được sản xuất bằng công nghệ lai khác loài tại Bắc Giang” thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025, tổng kinh phí thực hiện 4,2 tỷ đồng.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai dự án, đơn vị đã tiếp nhận và xây dựng thành công mô hình ương giống cá trắm đen, quy mô 7 nghìn cá hương trên diện tích 500 m2; mô hình ương giống cá rô phi đơn tính với quy mô 280 nghìn cá hương (mỗi năm 140 nghìn cá hương/đợt). Nguồn giống ban đầu được nhập từ Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc. Ngoài cung cấp con giống chất lượng ban đầu để nuôi ương, Trung tâm còn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho đơn vị.
Theo anh Nguyễn Văn Thiện, khi ương cá cần thường xuyên kiểm tra các chỉ số của ao như: PH, nhiệt độ, NH3, H2S để điều chỉnh cho phù hợp; theo dõi các hoạt động bơi lội, bắt mồi của cá để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường của cá giống nhằm có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời.
Qua theo dõi thực tế cho thấy, kích cỡ trung bình đạt 30g/con sau 78 ngày nuôi, trọng lượng cá đạt 20 con/kg sau thời gian nuôi 109 ngày.
Sau khi ương thành công cá giống, đơn vị chủ trì và chủ nhiệm dự án đang tiếp tục hoàn thiện quy trình, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để nhân rộng và khai thác thương mại.
Hiệu quả từ mô hình nuôi thương phẩm
Thực tế mô hình nuôi thâm canh rô phi đơn tính và cá trắm đen thương phẩm của DN tư nhân Quảng Hiếu cho thấy, đơn vị đã đầu tư bài bản về hạ tầng kỹ thuật. Cách đây một tháng, toàn bộ diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm của DN đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng và giá bán cao.
Với quy mô thả 83,5 nghìn con rô phi đơn tính trên tổng diện tích 2,2 ha ao nuôi, tỷ lệ sống đạt hơn 80%. Sau gần 1 năm, trọng lượng trung bình của cá đạt 0,83 kg/con, năng suất đạt 55,8 tấn cá thương phẩm.
Anh Mã Trung Hiếu, Giám đốc DN Tư nhân Quảng Hiếu: Ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ trong xây dựng mô hình ương, nuôi thương phẩm cá trắm đen và cá rô phi đơn tính đực được sản xuất bằng công nghệ lai khác loài trong ao góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho người dân nuôi cá”.
Cùng với kết quả từ mô hình, dự án còn hỗ trợ nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính quy mô 5,5 nghìn con cho hộ ông Vũ Văn Lực và 10 nghìn con ở gia đình ông Phan Xuân Hùng, thôn Cao Thượng, xã Tân Hưng (Lạng Giang). Toàn bộ diện tích nuôi của các hộ dân đều đã cho thu hoạch, năng suất cao.
Song song mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính, mô hình nuôi cá trắm đen cũng được đánh giá tốt. Trọng lượng cá trung bình đạt khoảng 1,3 đến 1,5kg/con, dự kiến năng suất khi thu hoạch đạt khoảng 7 tấn/ha.
Theo anh Mã Trung Hiếu, Giám đốc DN tư nhân Quảng Hiếu, với tiến độ, kết quả đạt được, đầu tháng 4 tới, DN tiếp tục triển khai mô hình ương nuôi cá rô phi đơn tính đợt 2 nằm trong khuôn khổ của dự án. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến quy trình kỹ thuật cho nông dân để nhân rộng sản xuất. Liên kết với hệ thống siêu thị, nhà hàng, đại lý, cửa hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Có thể thấy, trong những năm qua, phong trào nuôi cá rô phi đơn tính phát triển rất mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Việc ứng dụng nuôi thử nghiệm cá rô phi đơn tính được sản xuất bằng công nghệ lai khác loài sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn đối tượng trong chăn nuôi thủy sản.
Ưu điểm của đối tượng rô phi đơn tính được tạo ra bằng phương pháp lai khác loài là tận dụng được ưu thế lai như: Khả năng chống chịu lạnh của cá rô phi xanh, tốc độ tăng trưởng của cá rô phi vằn. Không ảnh hưởng đến môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tính kháng bệnh tốt, tỷ lệ sống cao sẽ góp phần nâng cao năng suất của mô hình. Cùng đó, công nghệ nuôi thương phẩm cá trắm đen rất phù hợp cho những hộ, DN có khả năng tài chính, diện tích ao hồ lớn, phù hợp với sản xuất quy mô hàng hóa tập trung...
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, tổng diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản khoảng 26,2 nghìn ha, trong đó diện tích ao hồ nhỏ gần 6 nghìn ha, diện tích ruộng trũng hơn 4 nghìn ha... Việc xây dựng thành công các mô hình nuôi cá thâm canh tập trung sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp khai thác triệt để diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
(Theo báo Bắc Giang)