Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2018 đạt mức kỷ lục, khoảng 40 tỷ USD; đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, sản phẩm xuất đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 43 tỷ USD nhưng phải vượt qua nhiều thách thức trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhiều nước tăng thêm rào cản kỹ thuật đối với nông sản…
Các lĩnh vực đều tăng trưởng
Ngành nông nghiệp năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, đồng thời có thêm thị trường với nhiều mặt hàng chủ lực và có thế mạnh. Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng 9,6% so với năm 2017, xuất khẩu nông sản đạt 19,51 tỷ USD tăng 1,4%; thủy sản đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản đạt 9,34 tỷ USD, tăng 15,7%.
Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,86 tỷ USD, tôm 3,59 tỷ USD, rau quả 3,81 tỷ USD, cà phê 3,46 tỷ USD, hạt điều 3,43 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản lượng nhiều loại nông sản chủ lực giá trị gia tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Để đạt thành quả đó là nhờ trong mùa vụ cơ cấu giống chất lượng cao, cơ cấu sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương chuyển dịch theo nhu cầu thị trường; phát triển khoa học công nghệ kết hợp với ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2018 đã chuyển 105.000ha đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả, các cây màu. Tuy diện tích lúa giảm nhưng sản lượng lúa vẫn tăng 1,24 triệu tấn. Sản lượng và chất lượng nhiều loại rau màu tăng, trái cây tăng 26.100ha về diện tích và 300.000 tấn về sản lượng so với năm 2017.
Thủy sản tiếp tục thành công với sản lượng đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,6 triệu tấn, tăng 5,3%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng 6% so với năm 2017. Điểm nổi bật là cá tra tăng trưởng vượt bậc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2017. Thị trường hải sản chủ yếu là EU, Hàn Quốc, Mỹ… dù bị thẻ vàng IUU của EU nhưng ngành hải sản vẫn thành công và giá trị xuất khẩu tăng trưởng ổn định.
Tại hội nghị Triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản 2019 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phấn khởi cho hay, đây là năm thắng lợi của Việt Nam trong nuôi thủy sản nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, điều tiết thị trường và quản trị, do đó đã được giá trị thị trường.
Song song đó, thủy sản có bước ngoặt thay đổi hoàn thiện khâu quản trị từ sản xuất, tổ chức ngành hàng xuất khẩu cho đến chế biến.
Tuy mục tiêu đề ra cao nhưng phấn đấu 10 tỷ USD là có cơ sở; năm 2019 phải tiếp tục duy trì 3 nhóm tôm là 4,2 tỷ USD, cá tra cố gắng duy trì 2,3 tỷ USD, nhóm hải sản phấn đấu 3,5 tỷ USD.
Xuất khẩu mở rộng thành công, đó là nhờ phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy, trong năm 2018 có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại được khởi công và khánh thành.
Rõ nét nhất là ngành chăn nuôi chuyển hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017.
Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu như thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản… Song song đó, Bộ NN-PTNT đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường.
Mở rộng thị trường
Đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, để đạt được con số 43 tỷ USD, trong những tháng đầu năm 2019, Bộ NN-PTNT liên tục tổ chức nhiều hội nghị chuyên ngành để bàn các giải pháp bức phá cho từng ngành hàng phát triển.
Cũng trong năm sẽ thúc đẩy đàm phán mở thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, nông dân thay đổi cách thức sản xuất sạch, liên kết theo chuỗi.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường…
“Muốn nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, đó là nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, muốn đạt kim ngạch nhiều thì phải tăng sản lượng, chất lượng và cần phải đoàn kết để không còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Để làm được, nông dân phải hợp tác với nhau thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để thực hiện quy trình canh tác tiên tiến trên cánh đồng mẫu lớn. Vùng nguyên liệu có thì cần phải đầu tư nhà máy chế biến mới phát huy tối đa tiềm năng; song, nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Từ đó, nông nghiệp Việt Nam mới lấy được niềm tin của người tiêu dùng nước ngoài để xuất khẩu.
Đưa ra các giải pháp phát triển ngành thủy sản, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, cho hay VASEP cùng với Bộ NN-PTNT và doanh nghiệp nỗ lực cải thiện các khuyến cáo của EU về vấn đề đánh bắt và quản lý hải sản nhằm tháo gỡ thẻ vàng.
Trong xu hướng tích cực về những lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam so với nước khác, để đạt mục tiêu đề ra, ngành thủy sản cần phải tập trung giải quyết dứt điểm về hóa chất kháng sinh, các loại dịch bệnh trên tôm; tận dụng lợi thế thuế quan khi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU chính thức thông qua để tăng cường xuất khẩu vào các nước châu Âu; gia tăng nhập khẩu các loại nguyên liệu hợp pháp để gia công chế biến xuất khẩu theo hướng chọn lọc đối tượng nhằm đạt giá trị cao.
Theo Bộ NN-PTNT, triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp về công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu như tích cực xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu; triển khai hiệu quả cơ hội của các FTA đem lại; nâng cao chất lượng phân tích dự báo thị trường.
“Để đảm bảo được mục tiêu đề ra, rõ ràng cần sự đồng bộ của cả chuỗi tập trung nuôi “sạch”, tuân thủ quy trình liên kết, khâu chế biến đổi mới quy trình công nghệ để giá thành hạ và chuỗi giá trị kéo dài ra. Đặc biệt, duy trì thị trường truyền thống, mở rộng ra thị trường mới và hết sức chú ý thị trường nội địa. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ khác để đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời doanh nghiệp phối hợp với hiệp hội nâng cao tinh thần trách nhiệm liên kết với nông dân. Ngành chăn nuôi phải điều chỉnh chiến lược phát triển chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển giống vật nuôi chất lượng cao; mở rộng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và môi trường”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị.
(Theo SGGP)