Bước phát triển mới của hoạt động nuôi trồng thủy sản

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26-10-2016 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, khi đề cập đến mục tiêu phát triển thủy sản, đã nhấn mạnh việc tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất. Thực hiện Nghị quyết trên, nhìn lại năm 2019 dù có những lúc khó khăn, nhưng có thể khẳng định lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn đang có bước phát triển mới.

Tín hiệu vui từ tôm thịt và tôm giống

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản khá thuận lợi, hầu hết các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Ở lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm, căn cứ tiến độ thả nuôi, ước đến cuối năm tổng diện tích nuôi sẽ có khoảng 826 ha, ước đạt 92,8% kế hoạch năm và 89,8% so với cùng kỳ; sản lượng đạt khoảng 6.772 tấn, ước đạt 95,6% kế hoạch và 94,6% cùng kỳ. Theo ghi nhận, sở dĩ giảm diện tích và sản lượng là do vào thời điểm thả nuôi tôm thương phẩm chính trong năm (từ tháng 4 đến giữa tháng 6), giá bán tôm tụt mạnh, chỉ dao động 70.000-75.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), tính toán thấy hiệu quả kinh tế không đáng kể, thậm chí thua lỗ nên người nuôi hạn chế đầu tư. Tuy nhiên trong giai đoạn từ giữa tháng 9 đến nay, tôm nuôi thương phẩm bắt đầu thu hoạch, giá bán tăng, ổn định dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) nên nhiều hộ nuôi có lãi.

Về sản xuất giống thủy sản, ước đến cuối năm sản xuất tôm giống toàn tỉnh đạt sản lượng 33,9 tỷ con (trong đó có 27,7 tỷ con tôm thẻ giống và 6,2 tỷ con tôm sú giống), ước vượt 2,7 % kế hoạch năm và tăng 9,6 % so với cùng kỳ. Nguyên nhân vượt được cho là nhờ tình hình thời tiết diễn biến khá thuận lợi, quá trình ương nuôi ấu trùng khá hiệu quả, kết hợp việc ký kết biên bản hợp tác tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thủy sản với các tỉnh miền Tây nên hạn chế được tình trạng xuất tôm theo dạng “hàng chợ”. Ông Dư Ngọc Tuân, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Đáng mừng hơn là nạn giả nhãn mác cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống cũng không còn nữa. Bên cạnh tôm giống, còn có 38 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh giống ốc hương, tính đến đầu tháng 11 đã sản xuất 200 triệu con ốc hương giống và ước đến cuối năm sản lượng sẽ lên khoảng 320 triệu con.

Định hướng nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

Cùng với tôm, ốc hương, hoạt động NTTS năm nay còn đáng chú ý bởi các đối tượng nuôi khác. Những ngày đầu tháng 11, đến nhiều địa phương ven biển có thế mạnh NTTS, chúng tôi ghi nhận nhiều hộ nuôi đạt được kết quả khả quan. Đơn cử nghề nuôi ốc hương, nếu ở thôn Tân An, xã Tri Hải (Ninh Hải) theo hình thức nuôi trong ao đất thì tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) và một số xã ven đầm Nại (Ninh Hải) lại nuôi trên cát trải bạt. Ước đến cuối năm, diện tích thả nuôi ốc hương thương phẩm toàn tỉnh khoảng 75 ha, vượt 13,6% cùng kỳ, ước sản lượng thu hoạch khoảng 1.200 tấn, đạt 100% kế hoạch; với giá bán khá cao, dao động 200.000-280.000 đồng/kg, hầu hết người nuôi đều có lãi. Tương tự, cá bớp được nuôi tại vùng Mỹ Tân, Vĩnh Hy, khu vực C1, C2 (Ninh Hải) hoặc Cà Ná (Thuận Nam) cũng có tốc độ phát triển nhanh, sản lượng thu hoạch trong năm khoảng 320 tấn. Tuy nhiên do giá bán giảm mạnh (dao động 110.000-120.000 đồng/kg) nên hiệu quả kinh tế không đáng kể; hiện một số hộ nuôi cá bớp chuyển sang nuôi một số đối tượng cá nước mặn khác như cá chẽm, cá chim…

Để tạo chuyển biến hoạt động NTTS, trong năm, Chi cục Thủy sản tỉnh đã triển khai nhân rộng thành công mô hình nuôi sinh thái đầm Nại và triển khai hỗ trợ, đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP cho hộ anh Nguyễn Văn Vinh, thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh) nuôi tôm thương phẩm thâm canh công nghệ cao, với diện tích 5 ha. “Áp dụng mô hình này, tôi thấy rất hiệu quả bởi có thể chủ động mọi thứ trong quá trình nuôi” - anh Vinh chia sẻ. Điểm nổi bật là qua triển khai dự án Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận, Chi cục đã giới thiệu và hướng dẫn cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty Cổ phần Đầu tư S6 tham gia thử nghiệm việc xây dựng nhật ký điện tử và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn một số hộ nuôi có điều kiện áp dụng tiêu chuẩn GAqP (thực hành sản xuất tốt thủy sản) vào hoạt động nuôi tôm thương phẩm; hướng dẫn người nuôi ghi chép nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra Chi cục còn rà soát, đánh giá, xác định và đề xuất các mô hình sản xuất có hiệu quả để định hướng nhân rộng.

Tiếp tục cho bước phát triển mới trong năm 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh đề xuất tổng lượt diện tích nuôi thủy sản thương phẩm là 1.000 ha, phấn đấu đạt sản lượng thủy sản thương phẩm 10.500 tấn và sản xuất giống thủy sản đạt 35,3 tỷ con. Từng bước đưa Nghị quyết số 07-NQ/TU vào cuộc sống, Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người nuôi trong bảo vệ môi trường nuôi chung; đặc biệt tăng cường quản lý chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, vùng nuôi và định hình phát triển NTTS theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất.

(Theo báo Ninh Thuận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục