Bộ Công thương cảnh báo 'thách thức mới' với hàng Việt Nam xuất khẩu

Bộ Công Thương vừa có hàng loạt cảnh báo về việc nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện giá trị rất thấp và cần có giải pháp để tăng giá trị.

Chật vật đầu năm

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2 vừa qua đạt 30,1 tỷ USD, giảm mạnh 30,5% so với tháng 1/2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu tăng 10,4%, ước đạt 15,5 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 73,4 tỷ USD.

Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, theo Bộ Công Thương, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất 2 tháng đầu năm ước đạt 3,4 tỷ USD. Trong nhóm này, chỉ có 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là chè, thủy sản và cao su.

Có 6/9 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm: Rau quả giảm 14,4%, hạt điều giảm 21%, cà phê giảm 26,9%, gạo giảm 17,5%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 8,9%, hạt tiêu giảm 20,6%.

Như vậy, ngay trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đã gặp khá nhiều khó khăn, kể cả về giá bán. Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2019, hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản có giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu các tháng đầu  năm tương đối ấn tượng đạt 30,5 tỷ USD. Trong các mặt hàng thuộc nhóm này, cả nước có 8 mặt hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, với kim ngạch đạt 6,79 tỷ USD, điện thoại các loại tiếp tục đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nổi bật tiếp theo là dệt và may mặc đạt 4,89 tỷ USD. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,67 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,63 tỷ USD; Phương tiện vận tải và phụ tùng 1,4 tỷ USD; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,38 tỷ USD…

Phải hướng tới chế biến sâu

Về những khó khăn xuất khẩu gạo trong các tháng đầu năm, theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019, Việt Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Theo đó, xuất khẩu gạo dự báo sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu giảm ở một số thị trường nhập khẩu lớn là Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc.

Theo ông Chinh, trước tình hình tồn kho lúa của bà con, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo. Trong đó, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm trách nhiệm duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu (5%) theo quy định. Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam xử lý hoặc đề xuất với Bộ Công Thương biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Về việc giá lúa gạo giảm mạnh dịp đầu năm, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam cần thực hiện tối ưu hóa nguồn cung. Ông Khánh cũng kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu gạo đừng chạy theo doanh số, sản lượng. “Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp quay lại với biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện, đừng để xảy ra tình trạng chạy theo số lượng mà không quản lý được chất lượng, dẫn đến việc mất giấy phép xuất khẩu”, ông Khánh nói.

Về những khó khăn của xuất khẩu nông sản và nâng cao giá trị xuất khẩu, tại hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức cách đây vài ngày, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại cho hay, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trái cây, rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, chiếm trên 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Dù vậy, xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây, rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chưa bền vững, còn phụ thuộc khá nhiều vào đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ lẻ.

Cũng theo ông Phú, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, yêu cầu của người tiêu dùng với trái cây, rau quả nhập khẩu tại thị trường này ngày một khắt khe. Đặc biệt, chính sách của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Từ ngày 1/1/2019 trái cây, rau quả xuất khẩu  sang thị trường này bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật.

(Theo báo Tiền Phong)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục