Bảo vệ thương hiệu hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch hai chiều của hai quốc gia luôn có những đột biến.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và đầu tư chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, sáng 24/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức “Hội thảo Thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc". 

Tại hội thảo, bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, mục đích của hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật, thương mại; đồng thời giải đáp những vướng mắc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, qua đó tăng cường khả năng xuất khẩu qua con đường chính ngạch những mặt hàng có thế mạnh sang thị trường Trung Quốc. 

Hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch hai chiều của hai quốc gia luôn có những đột biến - nhiều lần vượt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. 

Với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và giàu tiềm năng của Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Hữu Quân, Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á, Nam Thái Bình Dương, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), những năm gần đây, nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ nên khoảng cách nhập siêu của nước ta với đối tác thương mại lớn nhất này đã và đang được kéo giảm đáng kể, từ con số thâm hụt thương mại hơn 28 tỷ đô la Mỹ (USD) năm 2016 xuống còn 22,765 tỷ USD trong năm 2017. 

Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 11 năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 97,25 USD, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 37,66 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập khẩu 59,59 tỷ USD, tăng 12,7%. 

Ông Đào Việt Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định với kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây tăng trung bình trên 20%/năm. 

Các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản luôn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; trong đó, kể đến các sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện được xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là: tôm đông lạnh, cá tra, cá basa, cua, ghẹ, bạch tuộc.. Riêng khu vực Tây Nam, Trung Quốc (Trùng Khánh, Tứ Xuyên) có nhu cầu lớn với cá hố.

Ngoài ra, Vân Nam cũng là địa phương có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thủy sản lớn, tuy nhiên do khó khăn về khâu vận chuyển và thời gian thông quan nên Việt Nam chưa khai thác được hiệu quả thị trường này. 

Khu vực Tây Nam (bao gồm cả Quảng Tây và Vân Nam) và miền Trung, Trung Quốc là các địa phương có ngành sản xuất giày dép không phát triển, chủ yếu tiêu dùng các sản phẩm giày dép thông thường và yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm không quá cao, do vậy các sản phẩm giày dép của Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường khi được tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này. 
Hiện kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tháng 9/2018 ước đạt 3,38 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2018 đạt 29,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc với 22,9% (tương đương khoảng 6,7 tỷ USD). 
Ông Đào Việt Việt Anh cho biết thêm, hiện có 8 chủng loại hoa quả được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu đó là: thanh long, dưa hấu, vải thiều, nhãn, xoài, chôm chôm, chuối, mít.

Hiện Việt Nam đang đàm phán thêm các sản phẩm: na, chanh leo, bưởi, măng cụt và quả roi. Quảng Tây và Vân Nam dự kiến vẫn là các địa phương nhập khẩu chủ yếu các loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam trong thời gian tới. 

Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường Trung Quốc.

Thay đổi cách tiếp cận an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Đồng thời, nâng cao nhận thức người sản xuất, chất lượng và an toàn hơn. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung (PPP). 

Qua đó, xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài; các kênh phân phối./. 

(Theo BNews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục