Với những giải pháp đồng bộ, chính sách hỗ trợ thiết thực cùng với việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật… nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây đang có sự phát triển ổn định, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quan trọng của tỉnh.
Những bước chuyển mạnh mẽ
Từ việc thực hiện phong trào chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, ngành Thuỷ sản Bắc Ninh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 1997 từ 2.792ha lên 5.149ha năm 2019, tổng sản lượng thuỷ sản năm 2019 đạt 38.781 tấn.
Điều đáng ghi nhận của nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương trong tỉnh thời gian gần đây chính là việc người dân có ý thức hơn trong việc lựa chọn con giống, cải tạo ao-hồ nuôi và có trách nhiệm giữ gìn môi trường chung nên tình hình được cải thiện rõ rệt, năng suất qua mỗi vụ thu hoạch đều tăng. Các hộ nuôi còn mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình nuôi khép kín, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào nuôi trồng như sử dụng công nghệ sục khí liên hoàn, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tỉnh cũng đã xây dựng mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ cao mới như: nuôi cá sông trong ao, công nghệ sinh học Biofloc (cân bằng nitơ, cacbon), nuôi thương phẩm cá rô phi siêu thâm canh trong ao đất lọt bạt…
Cơ cấu giống cá thả nuôi tiếp tục có sự thay đổi theo hướng tích cực tăng nuôi các đối tượng có năng suất, giá trị kinh tế cao như: cá nheo mỹ (lăng đen), cá chép, cá rô phi, điêu hồng. Giá các loại cá thương phẩm tiêu thụ ổn định và có giá tương đương so với cùng kỳ năm trước. Giá thức ăn công nghiệp, vật tư đầu vào ổn định không có biến động đã tạo điều kiện cho các hộ yên tâm đầu tư sản xuất, giá cá giống ổn định.
Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của các cơ sở, công ty sản xuất giống thủy sản cũng góp phần đáng kể trong việc cung cấp giống chất lượng cao cho người nuôi ở địa phương. Giá cả các mặt hàng thủy sản luôn ở mức cao và ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho các hội nuôi, kinh doanh. Bắc Ninh lại gần thị trường Hà Nội nên về thị trường tiêu thụ là rất thuận lợi, cung cấp cho các trường học, nhà hàng và phục vụ tiêu dùng hằng ngày; trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp lớn tập trung nên rất thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong các nhà hàng, bếp ăn tập thể.
Sản xuất thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.204 ha, đạt 100% so với kế hoạch 2019, bằng 99,43% so với cùng kỳ 2018 (giảm 30ha). Số lượng lồng nuôi trên sông ước đạt 1.763 lồng, tăng 7,11% so với cùng kỳ (tăng 117 lồng). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 18.926 tấn, đạt 49,42% so với kế hoạch năm 2019, tăng 100,56% so với cùng kỳ 2018 (tăng 106 tấn). Trong đó: sản lượng nuôi trồng trong ao đất ước đạt 16.090 tấn, sản lượng cá lồng ước đạt 1.805tấn, thủy sản khác ước đạt 355 tấn; sản lượng khai thác ước đạt 676 tấn. Sản xuất giống, toàn tỉnh ước đạt sản xuất được 166,7 triệu con giống các loại (cá bột ước đạt 91,6 triệu con, cá hương ước đạt 42,5 triệu con, cá giống ước đạt 32,3 triệu con), đạt 70,94% kế hoạch năm, tăng 100,97% so với cùng kỳ.
Phát triển đi đôi với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường
Bên cạnh những thuận lợi, ngành nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh vẫn còn một số những hạn chế: Sản xuất manh mún, thiếu liên tục, chưa chủ động được thời vụ, năng suất mang lại chưa đạt cao như mong đợi so với tiềm năng của tỉnh. Các mầm bệnh lây lan trong vùng nuôi rất khó trị, chất lượng con giống, thức ăn và nguồn nước kém, dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm ngày càng cao nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản…
Mô hình nuôi cá Lăng đen tại Thuận Thành, Bắc Ninh
Để ngành thủy sản phát triển hơn nữa, trong thời gian tới Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế) nắm bắt kịp thời diễn biến của thời tiết, tình hình sản xuất thuỷ sản tại các vùng nuôi cá lồng, nuôi cá thâm canh tập trung để hướng dẫn các hộ nuôi trồng thuỷ sản chăm sóc, phòng trị bệnh, phòng chống nắng nóng và ngập úng cho các đối tượng thuỷ sản thả nuôi được kịp thời.
Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch các huyện đăng ký để người dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh; kỹ thuật nuôi cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc triển khai công tác cảnh báo môi trường, phát hiện kịp thời dịch bệnh thuỷ sản và có giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xảy ra, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Tiến hành triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ; hỗ trợ hóa chất cho nuôi cá lồng trên sông, chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong ao nuôi đảm bảo đúng đối tượng và quy định. Tiến hành rà soát các hộ nuôi cá lồng trên sông để hoàn thiện báo cáo tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh quý IV năm 2019. Gắn công tác sản xuất thuỷ sản với hoạt động của các tổ sản xuất, chi hội nghề cá, HTX thuỷ sản… để kịp thời nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu và chỉ đạo hoạt động thuỷ sản mang ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ tích cực cho các hộ sản xuất liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, trang trại, gia trại phát triển theo hướng hàng hoá.
Đồng thời kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 08 tháng 3 năm 2019 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn thuỷ sản, chế phẩm sinh học và xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản.
Trên hết là định hướng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản Bắc Ninh theo hướng bền vững. “Cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dung KHKT mới trong các lĩnh vực con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, xử lý môi trường nhằm xây dựng các vùng nuôi thuỷ thâm canh tập trung, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với hình thành các chuỗi liên kết giá trị để phát triển thủy sản bền vững. Duy trì ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 5.000ha; khai thác có hiệu quả số lồng nuôi cá hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế”- Ông Nguyễn Hữu Trượng – Phó giám đốc Sở nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh khẳng định.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Bắc Ninh xác định thuỷ sản là một lĩnh vực mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn bằng chính sách đầu tư thỏa đáng của tỉnh cũng như các hộ sản xuất, giúp người dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
(Theo báo Công Luận)