Dù gặp những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng thủy sản vẫn là ngành hàng chủ lực của An Giang, còn nhiều tiềm năng phát triển. Nếu thực hiện tốt chuỗi giá trị an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, mục tiêu tăng trưởng thủy sản hàng năm từ 5% trở lên trong giai đoạn 2020-2025 có thể thực hiện được.
Diện tích ít, giá trị cao
Nếu như đến cuối năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của An Giang đạt 183 triệu đồng/ha, phấn đấu năm 2020 đạt 192 triệu đồng/ha (tăng 63 triệu đồng/ha so năm 2015) thì giá trị sản xuất thủy sản đã cao hơn cả chục lần. Năm 2015, giá trị sản xuất thủy sản đạt 1,677 tỷ đồng/ha, tổng giá trị đóng góp 6.165 tỷ đồng.
Đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,342 tỷ đồng/ha, tổng giá trị tăng lên 9.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng (VA) bình quân khu vực nông nghiệp đạt 2,3%/năm, chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết (3,35%/năm) trong khi tốc độ tăng trưởng khu vực thủy sản đạt 7,07%/năm, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra (6-8%).
Đóng góp của lĩnh vực thủy sản là rất ấn tượng bởi hiện nay, diện tích mặt nước nuôi thủy sản của tỉnh chỉ có 2.042ha (trong đó diện tích nuôi cá tra là 1.226ha), chiếm chưa tới 1% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năm 2019, tổng diện tích thủy sản thu hoạch của tỉnh đạt 3.456ha (tăng 993ha so với năm 2015), sản lượng đạt 538.000 tấn (tăng 190.000 tấn), trong đó mặt hàng cá tra là sản phẩm chủ lực của tỉnh với sản lượng là 440.845 tấn (tăng 202.000 tấn so với năm 2015).
Dù diện tích khiêm tốn nhưng theo Sở Công thương An Giang, năm 2020, dự ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt sản lượng 115.300 tấn, kim ngạch 278 triệu USD (tương đương năm 2019), cao hơn xuất khẩu gạo (khả năng đạt 450.000 tấn, kim ngạch gần 240 triệu USD).
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, cùng với nuôi thương phẩm, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang (Quyết định số 897/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Năm 2019, diện tích sản xuất giống đạt 1.267ha, sản lượng 2,8 tỷ con, trong đó có 1,9 tỷ con giống cá tra (tăng 1,76 tỷ con so với 2015).
Việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản được chú trọng, từng bước tạo nền tảng vững chắc để An Giang trở thành Trung tâm cung cấp giống thủy sản chất lượng cao cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Bên cạnh cá tra, diện tích nuôi trồng thủy sản có tiềm năng khác cũng từng bước trì ổn định với diện tích khoảng 800-900ha/năm.
Hướng đến bền vững
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Phùng Hoàng Tuấn, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực của ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản của An Giang còn nhiều tiềm năng phát triển. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản đã mở rộng diện tích nuôi cá tra theo hướng tập trung xây dựng vùng nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao và hình thành những mô hình nuôi liên kết hoặc nuôi gia công với các hộ nuôi.
Việc triển khai đề án giống cá tra 3 cấp cùng các dự án kèm theo đã giúp tỉnh từng bước tổ chức lại nghề sản xuất giống cá tra, giúp các DN có đủ nguồn giống chất lượng cao để đưa vào nuôi thương phẩm, góp phần phát triển ngành hàng cá tra bền vững. Ngoài ra, việc đa dạng hóa đối tượng nuôi, trong đó phát triển một số loài thủy đặc sản cũng góp phần phát triển kinh tế thủy sản với nhiều đối tượng nuôi.
Tuy vậy, những khó khăn, thách thức thời gian tới vẫn rất lớn. Dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản thế giới tăng nhưng các nước nhập khẩu ngày càng quy định nhiều hơn và rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm; các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật ngày càng dày. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhập khẩu, là nguyên nhân tác động trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu cá tra vào thị trường này của các DN thủy sản An Giang.
Ông Tuấn cho biết, để tận dụng lợi thế, khắc phục khó khăn, thách thức, giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, quy mô công nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật một cách mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững vào sản xuất; xây dựng An Giang trở thành trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất giống công nghệ cao, cung cấp giống chất lượng cao cho toàn vùng ĐBSCL.
Cùng với đó, tổ chức sản xuất thủy sản theo hình thức chuỗi giá trị an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, trong đó DN, hợp tác xã được xem là đầu mối, hạt nhân cho việc thúc đẩy sản xuất, thị trường hóa, dịch vụ hóa các hoạt động sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản, hỗ trợ tạo quỹ đất lớn để các DN đầu tư chế biến sâu các sản phẩm thủy sản…
(Theo báo An Giang)