Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng đầu năm 2019 ước đạt 644 triệu USD, giảm 3,9% so cùng kỳ; trong đó, 2/3 mặt hàng chủ lực là cá tra giảm 4,4%, tôm các loại giảm 2,2%. Vì vậy, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD đặt ra cho ngành thủy sản năm nay là khá cao - tăng 11%.
Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã nhận dạng 3 khó khăn chính của ngành. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu. Việc kiểm soát nguồn nguyên liệu chưa thật sự tốt (từ hải sản khai thác đến các vùng nuôi) về việc tuân thủ quy định IUU hay dư lượng hóa chất, khiến cho các nhà máy chế biến không đủ khả năng kiểm soát đồng bộ quá trình sản xuất.
Trong khi đó, do phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu (bắp, đậu nành…) để chế biến thức ăn chăn nuôi nên giá thức ăn luôn cao hơn các nước, ảnh hưởng đến giá thành nguyên liệu thủy sản chế biến, giảm sức cạnh tranh so với Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… Chưa kể, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh đến ngành thủy sản đã làm thiếu hụt nguyên liệu, phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy.
Khó khăn thứ hai là rào cản thị trường. Vấn đề “thẻ vàng” IUU làm gia tăng khó khăn trong việc xuất khẩu hải sản vào thị trường EU. Với thị trường lớn nhất là Mỹ, các vấn đề về thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm và cá tra, chương trình thanh tra cá da trơn và mới nhất là chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) đang trở thành sức ép lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn có những khó khăn khác. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Basea Foods Bà Rịa - Vũng Tàu (đơn vị đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản về chế biến nhiều năm qua), cho biết có những mặt hàng nhà máy nhập khẩu hàng năm nhưng việc kiểm soát cũng như với mặt hàng mới, làm thời gian vận chuyển về nhà máy bị kéo dài. Ông Dũng kiến nghị, việc kiểm tra sau thông quan nên làm dứt điểm hàng năm thay vì 5 năm. Việc kéo dài như vậy sẽ khiến cho doanh nghiệp rất khó khăn trong triển khai sản xuất.
Đưa cá từ tàu vào nhà máy chế biến xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng có những vấn đề cần Nhà nước vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đó là quy hoạch vùng nuôi rõ ràng giữa các địa phương và có chương trình thủy lợi cho con tôm. Chính sách thuế, về nguyên tắc, nông dân và ngư dân không bị thuế VAT, nhưng về dầu (chiếm 50% chi phí khai thác) phải chịu phí môi trường; người nuôi tôm dù không chịu thuế về thức ăn chăn nuôi nhưng vẫn phải chịu phí môi trường và thuế VTA thuốc thú y, kể cả phí vận chuyển. Những vướng mắc này, Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tăng trưởng tốt.
Có cơ sở để tự tin
Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, năm 2018 ngành thủy sản chỉ tăng trưởng 6% là tương đối thấp so với thực lực của ngành. Bởi lẽ, con tôm - mặt hàng chủ lực của thủy sản - chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh khi xuất khẩu chỉ đạt 3,6 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2017. Ngành thủy sản có thể đạt tăng trưởng 10%/năm và trong điều kiện thuận lợi hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 12%/năm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, kế hoạch xuất khẩu năm 2019 của ngành thủy sản đạt 10 tỷ USD trở lên, tăng 11% so với năm 2018 (gần 9 tỷ USD) là cao, nhưng có cơ sở. Đó là dựa trên tính toán về tiềm năng và thị trường 3 nhóm sản phẩm chính. Mỗi ngành phải thực hiện mục tiêu riêng để đảm bảo mục tiêu chung; trong đó, đạt 4,2 tỷ USD là “sứ mệnh” của ngành tôm.
Cá điêu hồng chuẩn bị đưa vào chế biến xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc
Vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, việc hoàn thành kế hoạch của mặt hàng tôm giúp ngành thủy sản tiến gần hơn mục tiêu 10 tỷ USD. Mặt hàng cá tra sau thời gian khủng hoảng, năm 2018 giá trị xuất khẩu tăng lên 2,2 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD năm 2017, với đà thắng lợi này, việc củng cố ở mức 2,3 tỷ USD là khả thi. Với quyết tâm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU của EU, mặt hàng hải sản nhiều khả năng đạt 3,5 tỷ USD khi mà năm 2018, trong thế khó về IUU, vẫn tăng trưởng khá tốt, nhất là mặt hàng cá ngừ đại dương.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong quá trình thực hiện mục tiêu trên cần có sự đồng bộ của cả chuỗi, từ khâu đánh bắt đến nuôi trồng thủy sản, áp dụng khoa học công nghệ, tuân thủ quy trình khai thác và nuôi để có nguyên liệu hợp chuẩn. Trong chế biến, cần đổi mới quy trình công nghệ, quản trị, tận dụng phụ phế phẩm để có chuỗi giá trị dài ra, với giá trị tăng lên (như tận dụng phụ phẩm cá tra chế biến ra dầu cá, collagen, da chiên… xuất khẩu).
Tổ chức tốt khâu thị trường. Bên cạnh duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU, cần mở rộng thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Trung Quốc - thị trường gần, rất tiềm năng, nhưng đang trong giai đoạn chấn chỉnh chất lượng. Đồng thời không quên thị trường nội địa với 96 triệu dân và 15 triệu khách du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, toàn ngành phải cố gắng nhiều hơn, đoàn kết hơn nữa. Sự thành công ngành chế biến thủy sản là mục tiêu chung. Để thực hiện được điều này cần dựa trên 3 trụ cột chính: Khu vực Nhà nước, bao gồm các bộ/ngành, trong đó Bộ NN-PTNT sẽ luôn đồng hành, giải quyết ngay vướng mắc trong nội bộ ngành; khu vực doanh nghiệp và hiệp hội làm tốt việc tổ chức và liên kết vùng nguyên liệu; khu vực người dân nuôi và khai thác thủy hải sản cần tuân thủ quy trình và yêu cầu về chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu.
|
(Theo SGĐTTC)