VASEP đề xuất giải pháp phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau "3 tại chỗ"

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn khẩn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về khó khăn và một số đề xuất,  phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau giai đoạn "3 tại chỗ".

Tại văn bản này, VASEP cho biết chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50%.

VASEP đề xuất giải pháp phục hồi sản xuất xuất khẩu sau 3 tại chỗ

Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. 

Nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. 

Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn. 

VASEP và các doanh nghiệp thấy rằng, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần.

VASEP kiến nghị tiêm vắc-xin và thực hiện mục tiêu kép với trọng tâm mới.

VASEP tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.  

Ưu tiên trước hết là những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh.

Tiếp theo là người lao động trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp, trong đó có người lao động trong ngành thủy sản. 

Tiêm vắc-xin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông-ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước.

Trong dài hạn, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ phải sống chung với đại dịch lâu dài. “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế không thể kéo dài.

Vì vậy VASEP đề xuất Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện "Y tế tại chỗ".

Đề xuất như vậy vì các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được tiêm vắc-xin phòng dịch để các doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất.

Các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất cũng theo đó chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu tăng vào dịp cuối năm.

Đề nghị 1 cung đường 2 điểm đến và giảm phí công đoàn

VASEP đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm” theo tiếp cận là công nhân đã được tiêm vắc-xin và khu vực cư trú của công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy với hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc.

Trong đó “1 cung đường” là từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát kết hợp với 5 K. “2 địa điểm” là nhà và nhà máy. Cả 2 địa điểm đều quy định  phòng dịch của doanh nghiệp và y tế địa phương. Khi cần thiết thì thực hiện cách ly tại nhà và tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo quy định.  

Chính phủ đã có Nghị quyết 68 và Quyết định 23 với các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng việc thực thi còn chậm với nhiều lý do.   

VASEP kiến nghị khẩn: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương cùng doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp triển khai các gói hỗ trợ đã có.

VASEP tiếp tục đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp.

“Đây là những hỗ trợ quý báu để doanh nghiệp có thêm điểm dựa trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để duy trì được “3 tại chỗ” và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu”, VASEP nêu ý kiến.

Đồng thời tăng mức hỗ trợ từ nguồn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm y tế cho doanh nghiệp và đề nghị bảo hiểm xã hội chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Không công khai tên của doanh nghiệp nếu có ca nhiễm COVID-19 lên các phương tiện truyền thông nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động và hình ảnh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và khả năng phục hồi sản xuất.

Trong khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài tình hình, thì việc ngày càng nhiều người lao động tự kéo nhau về quê trong mấy ngày qua là một điều phải suy nghĩ.

Người lao động bị mất việc, đặc biệt là lao động tự do tại các tỉnh, thành phố có dịch là đối tượng bị tổn thương rõ rệt nhất. Sự hỗ trợ tài chính cho thành phần này trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch là cần thiết.

Chính phủ đã công bố các chính sách hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19. Đây là những chính sách lớn và hết sức ý nghĩa.

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc phối hợp công - tư, bao gồm cả các tổ chức thiện nguyện được chọn để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục