VASEP 20 năm qua và thời gian tới

VASEP là một tổ chức xã hội nghề nghiệp thành công và có tiếng nói nhất ở Việt Nam hiện nay, tôi cho là vậy. Trong 20 năm từ khi được thành lập, VASEP đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ mà các thành viên đặt ra. Đó là hỗ trợ ngành trong các vấn đề liên quan đến đào tạo, thông tin sản xuất , thị trường, chính sách nhà nước, và trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn trong rào cản thương mại quốc tế.

Nguồn lực to lớn nhất của VASEP là mạng lưới các DN thành viên, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Có được điều này là vì tiếng nói của VASEP là tiếng nói chung của các doanh nghiệp thành viên và dựa trên những nghiên cứu, đánh giá của các chuyên gia trung lập và khách quan.

Để một quốc gia phát triển thành công thì khối DN dân doanh phải được tạo sân chơi bình đẳng; các chính sách của nhà nước phải mang tính chất “bà đỡ” cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn đầu của sự phát triển.

Ngành thủy sản của chúng ta rất may là hiện nay phần lớn các DN có tên tuổi đều là tư nhân hoặc cổ phần. Do vậy kiến nghị về chính sách của VASEP dựa trên những phản ánh của các thành viên luôn là những kiến nghị khách quan và cần thiết cho sự phát triển chung.

Mặc dù đã khẳng định được vai trò của mình trong suốt 20 năm qua, VASEP vẫn cần tìm ra những hướng đi mới, hoạt động tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ DN và nhà nước trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh và xây dựng chính sách quản lý ngành. Hiện nay hoạt động của VASEP mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề nhất thời, ngắn hạn. So với 20 năm trước, các DN của chúng ta không còn sơ khai trong sản xuất và quá khó khăn về tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm của chúng ta vẫn chưa tích hợp sâu vào chuỗi cung toàn cầu. Phần lớn mặt hàng xuất khẩu phải thông qua nhà phân phối ở nước ngoài và rất yếu vị thế trong đàm phán và cạnh tranh. Các chính sách phát triển ngành hướng tới bền vững về lợi ích kinh tế xã hội, môi trường, và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng còn yếu. Để có thể tồn tại và cạnh tranh được trong thời đại toàn cầu hóa và đóng góp chung cho sự thịnh vượng quốc gia, không có cách nào khác là DN và nhà nước cần xây dựng chiến lược kinh doanh và chính sách phát triển dựa trên bằng chứng khoa học. Muốn vậy cần có những nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong tất các các khâu trong sản xuất và phân phối.

VASEP có lẽ là tổ chức có khả năng nhất trở thành một cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, một think-tank về chính sách, trong ngành thủy sản của chúng ta. VASEP nên tìm hiểu để khởi xướng cho ra đời một viện nghiên cứu độc lập, tức sẽ không phụ thuộc vào nguồn tài chính của Nhà nước hoặc vào một vài doanh nghiệp thành viên nào. Một viện nghiên cứu tư nhân hoặc có cổ phần của nhà nước được khởi xướng bởi hiệp hội ngành là cách thức phát triển rất hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã có. Ví dụ CETMAR (http://www.cetmar.org/?lang=en) của Tây Ban Nha, NOFIMA (https://nofima.no/en/) của Nauy, Matis (http://old.matis.is/english) của Iceland, hoặc IVL (https://www.ivl.se/english/startpage.html) của Thụy Điển là những viện nghiên cứu phát triển (R&D) độc lập và thành công trong ngành thủy sản và môi trường châu Âu. Các tổ chức nghiên cứu này được hình thành dựa trên hỗ trợ ban đầu về tài chính và cơ sở vật chất của Nhà nước hoặc hiệp hội. Ban đầu Nhà nước hỗ trợ bằng cách giao cho những đề tài cụ thể liên quan đến nhu cầu nghiên cứu của ngành. Sau một thời gian ngắn, các cơ sở nghiên cứu này hoàn toàn độc lập trong nguồn thu và kiến nghị chính sách cũng như tư vấn DN hoàn toàn khách quan từ kết quản nghiên cứu dài hạn. Nguồn thu lớn hiện nay của họ là từ các dự án quốc tế, sau đó là các dự án do nhà nước và doanh nghiệp nội địa đặt hàng.

Vốn ban đầu của một viện nghiên cứu không phải là vấn đề lớn. Tìm kiếm được các thành viên có khả năng tổ chức khoa học, khả năng tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu, kết nối DN và đối tác trong, ngoài nước mới là khâu quan trọng nhất. Viện nghiên cứu ngành sẽ không bó hẹp trong phạm vi một lĩnh vực mà các hoạt động bao phủ toàn bộ các khâu của chuỗi cung từ con giống và thức ăn trong nuôi trồng, cơ khí chế tạo trong đánh bắt, đánh giá trữ lượng nguồn lợi, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, công nghệ chế biến, tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển sản phẩm mới và nghiên cứu thị trường, quản trị sản xuất và chính sách phát triển ngành... Cơ cấu tổ chức ban đầu không cần đầy đủ như một cơ quan khoa học của nhà nước, mà chỉ cần một vài cá nhân cơ hữu có khả năng kết nối và triển khai đề tài nghiên cứu. Nhu cầu về nhân sự sẽ tùy thuộc vào đề tài hoặc dự án đang triển khai. Cộng tác viên hoặc nghiên cứu viên có kinh nghiệm và đạt trình độ quốc tế trong các trường ĐH và viện nghiên cứu của Việt Nam hiện nay khá phong phú. VASEP sẽ là tổ chức thích hợp nhất để kết nối và phát triển mạng lưới này.

Mong rằng 20 năm tới VASEP không chỉ thành công trong việc hỗ trợ DN và Chính phủ như hiện nay mà sẽ còn là một tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thành công hàng đầu của Việt Nam.

TS. Nguyễn Tiến Thông - Nghiên cứu viên cao cấp, Syntesa Partners & Associates, Giáo sư phụ tá ĐH Nam Đan Mạch

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục