Triển khai Nghị quyết 19: Cần gỡ vướng ở 60 Thông tư, Nghị định

Sáng 10/3, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã phát biểu tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các đại diện doanh nghiệp (DN), đồng thời làm rõ về một số vấn đề được DN nêu ra.

Thu phí cảng Hải Phòng: Cần xem xét về phương thức, đối tượng thu phí

Tại hội nghị, nhiều đại diện Hiệp hội, DN trong và ngoài nước đã đánh giá cao những kết quả tích cực trong quá trình triển khai các NQ 19, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời, DN cũng như nêu ra những vướng mắc cụ thể đang tồn tại để đề xuất Chính phủ cùng các thành viên Chính phủ xử lý.

Liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có trả lời cụ thể về từng vấn đề.

Theo đó, về việc thu phí hạ tầng cảng Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định việc ban hành phí này của Thành phố Hải Phòng là có căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, phải xem xét mức phí, phương thức thu, đối tượng thu phí có phù hợp không. Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này và được biết, thành phố Hải Phòng đã hứa sẽ xem xét sửa đổi quy định này trong tháng 3.

Đối với kiến nghị về thuế nhà thầu của hàng hóa thông quan, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện có 189 kho ngoại quan trên cả nước. Đây là những DN không hiện diện ở Việt Nam, đến bán hàng cho DN Việt Nam thông qua ký hợp đồng với kho ngoại quan. Do vậy, khi đã kinh doanh ở Việt Nam là phải chịu thuế theo đúng thông lệ quốc tế và đảm bảo bình đẳng với DN tại Việt Nam. 

Có nên hợp pháp hoá các khoản thu?

Đối với một số vấn đề về phí thẩm định, kiểm định, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn bày tỏ sự đồng tình với những kiến nghị của DN trong lĩnh vực này và cho biết đây cũng là vấn đề đang có tranh luận trong quá trình điều hành.

“Có quan điểm cho rằng Bộ Tài chính không nên hợp pháp hóa cho các khoản thu của các bộ khác, điển hình như phí thẩm định, phí kiểm dịch động thực vật, phí đường bộ… Hiện nay, đơn vị thu phí xây dựng mức phí để tạo doanh thu, đề nghị lên Bộ quản lý chuyên ngành như Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương… Bộ Tài chính chỉ là phối hợp cùng các bộ quản lý nhà nước để hợp pháp hóa, bảo vệ nguồn thu của một số đơn vị, tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng”, Thứ trưởng nói.

Đối với các khoản thu DN kiến nghị, theo Thứ trưởng, trước hết nên xem phí nào không có trong danh mục được quy định thì loại bỏ. Nếu loại phí đó có trong danh mục thì phải đảm bảo nguyên tắc chi phí và có lãi hợp lý, không thu trùng, thực hiện theo quản lý rủi ro.

Sớm có cơ chế về chữ ký số

Trong hai năm qua, việc triển khai NQ 19 đã đem lại nhiều kết quả tích cực, được đánh giá cao. Để tiếp nối những thành công này và tiến thêm bước xa hơn, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đưa ra nhiều đề xuất đối với quá trình triển khai NQ 19 năm 2017.

Trước tiên, Thứ trưởng lưu ý tầm quan trọng của chữ ký số trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và đề nghị các Bộ quan tâm vấn đề này. Hiện nay, chữ ký số đang là một cản trở cho DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ bởi nhiều DN không đủ điều kiện mua và duy trì. Do vậy, đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng một cơ chế về chữ ký số nhằm triển khai thực hiện Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, để hỗ trợ DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cần xây dựng chế độ kế toán phù hợp cho các đối tượng DN này và cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế. “Nếu làm được việc này, sẽ cải cách thủ tục hành chính rất lớn cho 96% DN trong tổng số 572.000 DN hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Trong lĩnh vực hải quan, NQ 19 năm 2017 đặt ra những thách thức lớn. Trong khi các NQ năm 2014, 2015 tính thời gian thông quan theo ngày thì NQ năm 2017 tính theo giờ, giao cụ thể là 70 giờ với hàng xuất khẩu và 90 giờ với hàng nhập khẩu. Để thực hiện điều này, phải giải quyết những vướng mắc mà năm 2016 vẫn còn “nợ” DN, đó là còn tới 60 Nghị định và Thông tư chưa được sửa đổi.

“Quan điểm của chúng tôi đã làm là phải thực chất. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu là 352 tỷ USD, có 9,98 triệu lô hàng xuất nhập khẩu, trong đó 34% lô hàng là phải có cấp giấy phép, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, gấp đôi khu vực. Để giải quyết vấn đề này, theo tôi trước hết phải giải quyết vướng mắc ở các Thông tư, Nghị định trên, phải ra chỉ tiêu sửa bằng được 60 Thông tư, Nghị định còn nợ, nếu năm nay thực sự muốn cải cách”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói./.

(Theo TBTCO)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục