Thủy sản tìm đường vào châu Âu

Ngày 28/12, tại TP HCM, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công thương tổ chức hội thảo Thương mại tự do Việt Nam – EU và Cộng đồng kinh tế ASEAN – Những vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn cạnh tranh tốt ở thị trường EU, thủy sản Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm và nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng được các cơ hội thâm nhập thị trường EU, khi Hiệp định Thương mại tự do với EU có hiệu lực.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay, việc tham gia AEC và hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu đã và đang có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Trong khi ASEAN là thị trường có hơn 620 triệu người tiêu dùng, GDP đạt trên 3.000 tỷ USD thì thị trường EU càng tiềm năng hơn với quy mô khoảng 508 triệu người tiêu dùng, GDP đạt mức 18.510 tỷ USD.

Thông qua các khu vực thương mại tự do này, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ có cơ hội tận dụng và phát huy ưu thế của thị trường chung của 10 nước ASEAN.

Việt Nam có thể cùng với các nước ASEAN thành lập “câu lạc bộ” các nước xuất khẩu lớn các mặt hàng nông thủy sản vào 28 nước thuộc Liên minh châu Âu nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan, hạn ngạch và thuận lợi hóa thương mại.

Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại thông tin, theo mục tiêu ban đầu của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU hai bên sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam.

Tuy nhiên, trong đàm phán có một số dòng thuế có lộ trình cắt giảm dài hơn, hoặc phải áp dụng quota. Về mặt hàng thủy sản, có khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi đó phần lớn vẫn phải chịu thuế suất cao từ 6 - 22%. 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau từ 3 năm đến 7 năm tùy mặt hàng.

Trong đó, 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.

Hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đã trở thành xu thế chung, là lựa chọn của nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng. Là một nước đang trên đà phát triển và hướng tới mở cửa, Việt Nam không nằm ngoài xu thế trên.

Tuy nhiên, để được hưởng các cam kết ưu đãi này, sản phẩm thủy sản nói riêng và nông thủy sản nói chung phải đảm bảo về mặt chất lượng. Đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Lý do, Việt Nam và EU xây dựng quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng. Doanh nghiệp cần nắm vững quy tắc xuất xứ áp dụng cho từng sản phẩm cụ thể trong hiệp định khi thực hiên xuất khẩu, nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.

Nghĩa là nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho hải quan nước nhập khẩu  mà không phải xin chứng nhận của cơ quan quản lý nếu doanh nghiệp đủ điều kiện.

Đối với hàng xuất khẩu từ EU, theo quy định lô hàng có giá trị dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ. Những lô hàng trên 6.000 Euro, doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn mới được tự chứng nhận xuất xứ. Hiện tại Việt Nam chưa áp dụng cơ chế này, mới chỉ triển khai thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN.

Liên quan đến những quy tắc về chất lượng, xuất xứ hàng hóa gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường mà cụ thể là thị trường EU, bà Nguyễn Quỳnh Nga cho rằng, do cơ cấu sản xuất của các nước ASEAN khá tương đồng, cùng lợi thế đối với nhiều mặt hàng nên doanh nghiệp Việt phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh tận dụng được các cơ hội thâm nhập thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do với EU có hiệu lực.

(Theo Báo Đại đoàn kết)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục