Quy hoạch chi tiết 5 cảng biển Nam Trung bộ

(vasep.com.vn) Ngày 29/7/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 2370/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Nam Trung bộ (Nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phạm vi quy hoạch Nhóm 4 bao gồm các cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố ven biển thuộc khu vực Nam Trung bộ: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Phạm vi phục vụ bao gồm các tỉnh trên, các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng) một số tỉnh phía Nam nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và phía Bắc của Vương quốc Campuchia.

Theo đó, cảng Quy Nhơn (Bình Định) là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, gồm các khu bến chức năng: Quy Nhơn - Thị Nại, Nhơn Hội, Tam Quan, Đề Gi. Tổng lượng hàng hóa qua hệ thống cảng khoảng 18 - 20 triệu tấn/năm. Cảng Vũng Rô (Phú Yên) là cảng tổng hợp địa phương, gồm các khu bến: Tây Vũng Rô, Đông Vũng Rô, Bãi Gốc, với lượng hàng hóa khoảng 5,8 - 6,3 triệu tấn/năm.

Cảng Khánh Hòa là cảng tổng hợp quốc gia, về lâu dài có thể phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế tại vịnh Vân Phong, gồm các khu bến: Đầm Môn, Nam Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; lượng hàng hóa qua cảng khoảng 15,9 - 18,6 triệu tấn/năm.

Cảng Ninh Thuận là cảng tổng hợp địa phương, có bến chuyên dùng, gồm: Ninh Chữ, Cà Ná phục vụ các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với tổng lượng hàng hóa qua cảng khoảng 0,2 - 0,4 triệu tấn/năm. Cảng Bình Thuận là cảng tổng hợp địa phương, gồm các bến cảng: Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân, Sơn Mỹ, Hòa Phú và các bến dầu khí ngoài khơi; lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 15,8 -17,5 triệu tấn/năm.

Mục tiêu định hướng phát triển cảng biển Nam Trung bộ (Nhóm 4) là hình thành các cảng tổng hợp, đầu mối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển của địa phương trong khu vực, tạo kết nối với cảng cửa ngõ quốc tế, trung chuyển quốc tế của quốc gia; là cơ sở để phát triển cân đối, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan, kết nối với vùng hấp dẫn của cảng; là động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh của từng địa phương, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các khu vực liên quan; Đáp ứng nhu cầu vận tải nhập nguyên, nhiên vật liệu và xuất sản phẩm phục vụ các cơ sở công nghiệp luyện kim, hóa dầu, khai khoáng… góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của các địa phương trong khu vực.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục