Ông Lê Triệu Dũng - Phó Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại (BCT): VASEP đồng hành cùng Bộ Công Thương ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời cũng là ngành phải đối mặt với nhiều rào cản bảo hộ từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, gọi chung là biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Trong quá trình xử lý các vụ việc PVTM mà các nước áp dụng với thủy sản của ta, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, không thể không kể đến Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) với vai trò quan trọng là đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đồng thời là cầu nối hữu hiệu giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

VASEP là một trong số ít các Hiệp hội ngành hàng có kinh nghiệm và kiến thức sâu về lĩnh vực PVTM, do đã có cơ hội tích lũy thông qua việc xử lý vụ kiện điều tra chống bán phá giá cá tra - basa từ 2003 và tôm từ năm 2004. Đây là hai trong số các vụ việc được điều tra sớm nhất của nước ngoài với hàng xuất khẩu của Việt Nam và cũng là hai vụ việc “dài hơi” với nhiều diễn biến phức tạp và liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, đòi hỏi kiến thức sâu về chống bán phá giá và các tranh chấp quốc tế. Trong các vụ việc đó, VASEP đã điều phối, kêu gọi được sự đoàn kết, nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp để phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng chiến lược kháng kiện chung, xuyên suốt, đảm bảo tốt nhất lợi ích của cả ngành.

Tính đến nay, đã trải qua gần 15 năm áp thuế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, trong đó cá tra chiếm thị phần nhập khẩu lớn nhất (khoảng 85%). Bên cạnh đó, do là đối tượng chịu tác động chính của biện pháp chống bán phá giá, VASEP cùng với doanh nghiệp rất chủ động trong việc theo dõi, phát hiện các biện pháp không phù hợp với WTO và kiến nghị lên Chính phủ. Kiến nghị của VASEP là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, đưa các biện pháp PVTM của nước nhập khẩu ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), như biện pháp thuế chống bán phá giá tôm (DS404, DS429), thuế chống bán phá giá cá tra (DS536) và chương trình giám sát cá da trơn (DS540) của Hoa Kỳ. (Vụ việc DS536 và DS540 đang trong giai đoạn tranh tụng).

Tính đến nay, trong số 05 vụ việc Việt Nam chủ động khởi kiện ra WTO thì có tới 04 vụ việc liên quan tới ngành thủy sản. Trong suốt quá trình tranh tụng tại WTO, VASEP rất tích cực trong việc phối hợp với Cục PVTM (cơ quan đầu mối xử lý tranh chấp tại WTO) để hỗ trợ cung cấp thông tin, số liệu, xây dựng lập luận, góp phần không nhỏ vào kết quả tích cực trong các vụ việc DS404, DS429, dẫn tới việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh áp thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm của ta.

Ngoài ra, là Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, VASEP đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược trong việc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện chủ trương phát triển thị trường xuất khẩu lớn là Hoa Kỳ thông qua việc sẵn sàng đầu tư, chủ động thuê các hãng luật, chuyên gia có uy tín của Hoa Kỳ để tư vấn trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, giải quyết tranh chấp.

Có thể nói, VASEP đã và đang đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu quan trọng. Trong thời gian tới, với xu hướng bảo hộ đang gia tăng, VASEP cần tiếp tục tăng cường củng cố nguồn nhân lực am hiểu về pháp luật và kinh doanh quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm cập nhật, trao đổi thông tin, từ đó xác định các phản ứng kịp thời trước các biện pháp PVTM mà nước ngoài áp dụng với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với các ngành hàng quan trọng như tôm, cá tra..

Bên cạnh đó, VASEP cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức về PVTM không chỉ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ, EU- là các thị trường thường xuyên áp dụng biện pháp PVTM-mà tới cả các doanh nghiệp khác, do xu hướng áp dụng biện pháp PVTM sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới.

Ông Lê Triệu Dũng - Phó Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục