Khai thông vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

Trong năm nay, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn giúp doanh nghiệp (DN) phát huy tối đa năng lực trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Tăng tốc sản xuất kinh doanh

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tất bật khởi động guồng máy sản xuất, làm nhanh những đơn hàng để kịp thời gian xuất khẩu đúng hẹn.

Giám đốc Công ty May mặc hàng xuất khẩu QCK (quận Bình Tân) Trần Huỳnh Quốc cho biết, ngay hôm mùng sáu Tết công ty đã khởi động hai dây chuyền máy sản xuất áo sơ mi để kịp giao cho đối tác xuất đi Châu Âu. “Năm nay công ty có 7 đơn hàng quần áo đã ký với đối tác xuất khẩu qua Mỹ và các nước châu Âu. Mình nghỉ Tết nhưng khách hàng không nghỉ nên phải sản xuất sớm mới kịp giao hàng” - ông Quốc nói.

Tương tự, Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Hương Lan (quận Tân Phú) ngày 15/2, hàng trăm công nhân đã vào ca từ lúc 7 giờ sáng và tăng ca đến 7 giờ 30 chiều. Bà Trần Hương Lan, Phó giám đốc Công ty cho biết, để đủ hàng giao cho đối tác, công ty buộc phải khởi động sớm và có chế độ thưởng xứng đáng cho công nhân trrong những ngày làm việc đầu năm mới.

Bà Lâm Tú Linh, Giám đốc Công ty Hải Long (đơn vị sản xuất xuất khẩu thủy sản đông lạnh) cho hay, công ty đã ký hợp đồng sản xuất tới tháng 10, do chưa chuẩn bị được khả năng tăng công suất và số nhân lực làm việc vì vậy công ty buộc phải tăng thời gian sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu nước ngoài.

Trong những ngày đầu năm, Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) cũng chuẩn bị xuất khẩu sang Hàn Quốc 20 tấn cá Diêu hồng, 8.000 lít nước mắm, 100 thùng hành phi và xuất khẩu 8 tấn tôm càng xanh, 10 tấn cá Diêu hồng qua Hà Lan. Đại diện Công ty APT cho biết các sản phẩm thủy hải sản của công ty đã xuất khẩu qua hơn 100 quốc gia và mức tăng trưởng doanh thu ngày càng cao. Năm 2019, ATP dự kiến tăng trưởng doanh thu 120% so với năm 2018 nhờ một số thị trường mới ở Úc, Châu Âu đặt hàng của DN.

Trong tháng 1/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các DN thành phố đạt 3.349,5 triệu USD, tăng 1% so tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ. Nhiều nhóm hàng có mức tăng khá như gạo đạt 120,6 triệu USD, tăng 68,3%. Hàng thủy hải sản đạt 85,2 triệu USD, tăng 6,7%. Thị trường xuất khẩu thủy hải sản chủ yếu là Nhật Bản (19,4%), Trung Quốc (14,5%), Hàn Quốc (11,2%), Hoa Kỳ (8%) và Philippines (6,2%). Theo đánh giá của các DN làm hàng xuất khẩu, năm nay tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tương đối thuận lợi, nhờ các DN đã có nhiều kế hoạch làm ăn lâu dài, nhiều DN tìm kiếm thêm thị trường mới và hưởng lợi thế từ các hiệp định về thương mại đã được ký kết. Tuy nhiên, ông Trần Văn Huấn, Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy hải sản DCM (quận Bình Tân) cho rằng, sức cạnh tranh của thị trường các nước ngày càng lớn, điều này đòi hỏi hàng hóa của Việt Nam cần phải được nâng cấp về chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt giá cả phải cạnh tranh mới phát triển được.

Quyết liệt cải cách hành chính để hỗ trợ DN

Để thúc đẩy cải cách, phát triển kinh tế, năm nay chính quyền UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương hỗ trợ, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ những khó khăn giúp doanh nghiệp (DN) nhằm phát huy tối đa năng lực trong sản xuất kinh doanh. Trong buổi làm việc với Sở Nội vụ ngày ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã nêu lên thực trạng một số sở ngành, chính quyền quận huyện làm việc thiếu trách nhiệm và thiếu tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ DN và người dân khi họ cần đến dịch vụ công.

Tại buổi họp, ông Phong nêu một vụ điển hình về một DN gửi hồ sơ xin tham gia chương trình kích cầu DN nhưng hồ sơ chạy lòng vòng mất một năm rưỡi chưa xong. Theo ông Phong, quy định cụ thể thời gian giải quyết hồ sơ đề xuất của các DN, người dân đã có quy định đầy đủ, hồ sơ thấy được hay không thì thông báo cho người có nhu cầu biết. Để tránh những việc tương tự xẩy ra, ông Phong yêu cầu các sở ngành, chính quyền quận huyện phải làm việc nghiêm túc, các cơ quan hành chính công cần phối hợp để đột phá về cải cách hành chính, tránh gây phiền hà cho DN và người dân.

Trong năm 2018, các sở ngành của thành phố đều thực hiện công tác cải cách hành chính nhưng có những đơn vị đã quyết liệt thực hiện nhưng có những đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhờ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trực tuyến các dịch vụ hành chính để phục vụ DN và người dân.

Cụ thể trong năm 2018, khải sát 978 lượt người tham gia cho ý kiến về cải cách hành chính của sở., kết qủa có 829/978 người hài lòng, đạt 84,76% trên tổng số người được khảo sát. Đánh giá hài lòng trực tiếp qua thiết bị thông minh, với 4.089 lượt người đánh giá, kết quả hài lòng đạt 97,7% (3.995/4.089 người). Về tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến: Sở Công Thương tiếp nhận và giải quyết 71.893 hồ sơ, đạt tỷ lệ 93,39%.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm nay ngành công thương thành tiếp tục triển khai việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong hoạt động hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; triển khai các giải pháp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ người dân, DN; nghiên cứu và áp dụng các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tại sở.

(Theo báo Công thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục