Hội nghị “Diên hồng” thúc đẩy guồng quay kinh tế sau đại dịch

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” vừa diễn ra được đánh giá là Hội nghị Diên hồng nhằm tái khởi động guồng quay kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Nhiều giải pháp trọng tâm thời gian tới đã được Chính phủ đưa ra, cùng với đó là những ý kiến của các đại diện DN và sự quyết tâm tiếp thu, xử lý của các đại diện bộ, ngành...

5 giải pháp trọng tâm và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành. Tại Hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, DN, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội DN nước ngoài, 9 hiệp hội DN trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam. Khẳng định vị trí của DN là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với DN: Một là các DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, DN phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là DN áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Đối với DN cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ: đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng DN, đánh giá cao những nỗ lực, chia sẻ của DN với đất nước trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Thủ tướng đã chỉ rõ một số giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng là “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa và thu hút FDI.

Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhiều kiến nghị từ phía DN

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - CEO Viettravel đề nghị, cơ quan chức năng nghiên cứu mở lại toàn bộ đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay vì 85% di chuyển trong ngành du lịch là bằng đường hàng không. Bên cạnh đó, xem xét mở cửa lại các thị trường du lịch nước ngoài có chọn lọc, phần nào kiểm soát được dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Campuchia...

Trong kiến nghị gửi tới Hội nghị, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất, trong ngắn hạn, Chính phủ và các Bộ hỗ trợ Bộ Nông nghiệp đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thả lại tôm, khai thác biển ngay từ tháng 5/2020. Giải pháp này nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020 khi chúng ta có cơ hội lớn về thị trường - thị trường thế giới phục hồi.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có những đề xuất khá cụ thể, ví như đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét miễn thuế xuất khẩu 25% đối với các mặt hàng gỗ xẻ phôi có nguồn gốc từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước quản trị rừng tốt. Việc này giúp DN tham gia chuỗi liên kết sản xuất toàn cầu, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giải phóng lượng gỗ nguyên liệu tồn kho rất lớn hiện nay.

Liên quan đến lãi suất ngân hàng, kiến nghị của ông Trần Thành Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, các DN nhỏ và vừa hầu như vẫn bị ngân hàng thu nợ đúng hạn và cảnh báo sẽ bị hạ bậc tín dụng nếu như trả nợ không đúng hạn.Do đó, ông đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho DN giãn nợ, khoanh nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngoài ra còn nhiều ý kiến, đề xuất khác từ phía cộng đồng DN cũng đều được ghi nhận, báo cáo và xử lý triệt để. Theo VCCI, sau 4 năm tổ chức (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị DN của các bộ, ngành đã đạt khoảng 80%. Hội nghị lần này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được đẩy lùi ở nước ta đã được cộng đồng DN mong đợi, sẽ thôi thúc tinh thần cách mạng, yêu nước của người dân và DN cũng như khẳng định cho thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm trong môi trường, điều kiện mới để đưa đất nước tiến lên.

(Theo suckhoedoisong)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục