(vasep.com.vn) Theo ông Phạm Thanh Bình - Chuyên gia cao cấp Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (USAID GIG) cho rằng, thực tế cho thấy lý do Bộ Y tế (BYT) đưa ra để duy trì chế độ cấp Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP (GXN) là không xác đáng, cấp GXN không phải là giải pháp đảm bảo hiệu quả quản lý, cũng không phải là giải pháp đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, ngược lại, gây tổn hại cho người tiêu dùng. Thậm chí, việc cấp GXN còn có nhiều biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp...
Dưới đây, Ban Biên tập Bản tin TMTS số 29-2017 xin đăng nguyên văn bài phân tích của ông Bình về việc có sự cần thiết duy trì chế độ cấp Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP (GXN) không và giải pháp nào để các doanh nghiệp tuân thủ quy định? Đây cũng chính là vướng mắc đã và đang gây bức xúc nhất đối với các DN (không chỉ ngành thủy sản) trong suốt 2 năm qua.
Có sự cần thiết duy trì chế độ cấp Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP không?
Cục ATTP Bộ Y tế (BYT) nêu lý do tình trạng “sản xuất nhỏ lẻ”, “ý thức tuân thủ pháp luật của các hộ kinh doanh gia đình chưa cao (trồng rau 2 luống, nuôi lợn 2 chuồng, 1 để dùng, 1 để bán)” để đề nghị duy trì chế độ cấp GXN. Các lý do này không ăn nhập gì với thực tế quản lý của BYT: Thực tế hiện nay BYT không tập trung quản lý khu vực sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh gia đình, mà chủ yếu tập trung vào quản lý các khu vực ít nguy cơ như xuất nhập khẩu (XNK), sản xuất công nghiệp.
Các số liệu sau sẽ chứng minh điều này: Theo phân công của BYT tại Thông tư 19/2012/TT-BYT thì các Sở cấp GXN đối với sản xuất trên địa bàn (khu vực “sản xuất nhỏ lẻ”) để tiêu thụ trong nước, Cục ATTP (VFA) cấp đối với XNK (khu vực không được BYT coi là lý do để duy trì). Theo Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017 của Chính Phủ do Bộ trưởng Y tế ký gửi Đoàn Giám sát của Quốc Hội thì giai đoạn 2011 - 2016 ngành Y tế đã cấp 152.109 Giấy Tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy (GTN)/GXN, trong đó các tỉnh, TP chỉ cấp khoảng 7000 giấy (4,6%), còn khoảng 145.000 giấy (95, 4%) do VFA cấp. Thực tế này cho thấy lý do BYT đưa ra để duy trì việc cấp GXN là không xác đáng.
Vấn đề Quy quy định ATTP tương đương Quy chuẩn kỹ thuật
Khoản 3 Điều 3 luật ATTP quy định nguyên tắc quản lý ATTP là trên cơ sở Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) và quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành (ở đây là BYT). BYT cho rằng quy định của BYT về ATTP là tương đương QCVN nên đối với những sản phẩm chưa có QCVN thì phải làm thủ tục Công bố phù hợp quy định ATTP tương tự như thủ tục Công bố hợp quy. Lập luận này là khiên ngưỡng, không đúng.
Mặc dù đều do BYT ban hành, nhưng QCVN được điều chỉnh bởi luật TCQCKT, quy định của BYT không phải đối tượng điều chỉnh của luật TCQCKT nên không thể ép áp dụng thủ tục công bố hợp quy cho việc tuân thủ quy định của BYT. Nếu quy định tương đương QCVN thì luật ATTP nói riêng, các luật quản lý chuyên ngành nói chung không cần quy định phải tuân thủ QCVN, chỉ cần quy định tuân thủ Quy định của các Bộ là đủ. Thậm chí cũng không cần ban hành luật TCQCKT.
Cấp GXN không phải là giải pháp đảm bảo hiệu quả quản lý
Báo cáo số 37 đánh giá giải pháp này “không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai trong thực tiễn”, ngược lại, là sơ hở có thể bị lợi dụng để hợp pháp hoá thực phẩm không an toàn. Căn cứ:
- Việc cấp GXN, như đánh giá tại Báo cáo số 37 dẫn trên, chủ yếu dựa vào hồ sơ do doanh nghiệp nộp, trong đó, thành phần quan trọng nhất là bản kết quả kiểm nghiệm, nhưng mẫu kiểm nghiệm lại do doanh nghiệp tự lấy và cung cấp nên không thể đảm bảo kết quả kiểm nghiệm phản ánh đúng chất lượng lô hàng.
- Báo cáo 37 cũng cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, tỷ lệ các lô hàng do BYT quản lý không đạt quy định chỉ 0,18%, một tỷ lệ vô cùng nhỏ, không tương xứng với chi phí của nhà nước và doanh nghiệp cho việc này.
Cấp GXN không phải là giải pháp đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, ngược lại, gây tổn hại cho người tiêu dùng
- GXN chỉ xác nhận “phù hợp quy định ATTP”, không xác nhận sản phẩm đảm bảo an toàn khi sử dụng; người công bố cũng chỉ phải “chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố”, không phải chịu trách nhiệm khi sử dụng có an toàn không.
- Giá cả mà người tiêu dùng phải trả phải gánh thêm khoản chi phí rất lớn phát sinh từ việc cấp GXN này (khoảng 2.725 tỷ đồng và chi phí cho khoảng 1,8 triệu ngày công mỗi năm).
- Người tiêu dùng có thể mất cảnh giác với thực phẩm không an toàn do thấy đã được BYT xác nhận.
Vấn đề gây phiền hà, sách nhiễu
Các luật quản lý chuyên ngành (QLCN) đều nghiêm cấm gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động QLCN, nhưng thực tế cho thấy, việc cấp GXN có nhiều biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp, như:
- Không tích cực ban hành các QCVN, cứ để tình trạng quản lý không có chuẩn, nhập nhèm, doanh nghiệp không biết thế nào là đúng, là đủ, là phù hợp để tuân thủ. Trong suốt gần 7 năm kể từ khi có luật ATTP, BYT chỉ ban hành được 32 QCVN (không kể 22 QCVN được ban hành trước luật ATTP), trong khi đó có hàng nghìn sản phẩm cần quản lý.
- Tình trạng hầu hết hồ sơ bị yêu cầu bổ sung, không chỉ 1 lần, mà thường là nhiều lần: Theo số thứ tự cấp GXN năm 2017 thì đến hết tháng 7/2017, VFA cấp được khoảng 26.500 GXN, trong khi đó, theo số liệu trên Hệ thống cấp GTN/GXN của VFA thì thường xuyên có khoảng 15.000 hồ sơ chờ tiếp nhận, chờ bổ sung...(tương đương 56,6% tổng số GXN được cấp 7 tháng đầu năm) , trong đó, số lượng hồ sơ chờ bổ sung luôn luôn khoảng 10.000 hồ sơ, tức là hầu hết hồ sơ đều phải bổ sung. Tình trạng này chỉ có thể giải thích là Quy định của BYT là mập mờ, không minh bạch, không rõ ràng khiến DN không thể nào hiểu và làm đúng theo yêu cầu của VFA, hoặc VFA cố tình gây sách nhiễu DN (tình trạng tuỳ tiện bắt bẻ, yêu cầu).
- Thời điểm yêu cầu bổ sung hồ sơ thường là ngày những cuối cùng của thời hạn cấp GXN.
Căn cứ thực tiễn trên, đề nghị bãi bỏ chế độ cấp GXN phù hợp quy định ATTP. Các doanh nghiệp tuân thủ quy định của BYT về thành phần, hàm lượng các chất bằng cách gửi thông báo cho BYT, công bố trên nhãn hàng, bao bì, tài liệu kèm theo sản phẩm như quy định tại Điều 23 luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.