Doanh nghiệp trước “sân chơi” Hiệp định CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký tại Chi-lê. Bên cạnh triển vọng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên, CPTPP có tác động mạnh mẽ, giúp chúng ta thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn và đây mới là lợi ích lâu dài. CPTPP sẽ mang lại lợi ích cho những doanh nghiệp (DN) chủ động đáp ứng những thay đổi về môi trường kinh doanh, đổi mới tư duy kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh.

Thận trọng và kỳ vọng

Trong bối cảnh Mỹ không tham gia CPTPP, nhiều DN tỏ ra thận trọng khi đánh giá triển vọng từ CPTPP. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, việc vắng Mỹ tại sân chơi CPTPP có thể làm giảm mức độ hưởng lợi của ngành thủy sản so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội cho thủy sản nước ta khi các nước CPTPP hằng năm nhập khẩu gần hai tỷ USD hàng thủy sản Việt Nam, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể như thị trường Nhật Bản, chúng ta sẽ có lợi thế về xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ,... Hay như Mê-hi-cô, thị trường đang nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều cơ hội gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra còn thị trường mới như Ca-na-đa, dù đây là nước sản xuất thủy sản tương đối lớn trên thế giới nhưng những năm qua, một số mặt hàng thủy sản của nước ta như tôm thẻ, tôm sú vẫn được các DN Ca-na-đa nhập khẩu với số lượng đáng kể. Dư địa thị trường này còn khá lớn, cộng thêm với những lợi thế khi tham gia CPTPP, hy vọng thị trường này cũng sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Seavina Ngô Quang Trường nhận định, khi CPTPP không có sự tham gia của Mỹ, đối với các DN xuất khẩu nhiều sản phẩm vào thị trường Mỹ như Seavina sẽ không được hưởng lợi nhiều như kỳ vọng từ Hiệp định TPP. Tuy nhiên, hiện công ty cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới, trong đó có Ô-xtrây-li-a, cho nên CPTPP chắc chắn sẽ tạo thêm đà tăng trưởng cho việc xuất khẩu các mặt hàng thủy, hải sản vào quốc gia này, nhất là các sản phẩm tôm. Nếu có điều đáng lo ngại hiện nay thì đó chính là các rào cản kỹ thuật rất dễ được các nhà nhập khẩu dựng lên và thị trường Ô-xtrây-li-a cũng không phải ngoại lệ do đây vốn dĩ đã là một thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương Nguyễn Quang Vũ cho biết, khi tham gia CPTPP ngành da giày Việt Nam không được hưởng lợi nhiều như kỳ vọng vào TPP (lúc đầu Mỹ tham gia), bởi hiện các sản phẩm da giày Việt Nam đang chủ yếu xuất khẩu vào Mỹ. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày, túi xách Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD; riêng giày dép chiếm khoảng 14,7 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ đạt khoảng 5,9 tỷ USD (chiếm khoảng 45%), Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD,... Như vậy, nói về CPTPP, mức hưởng lợi của ngành không nhiều. Mặt khác, với Nhật Bản và một số nước, chúng ta đã có hiệp định thương mại song phương riêng nên có hay không chúng ta vẫn đẩy mạnh xuất khẩu theo thỏa thuận đã ký kết trước đây. Những nước còn lại thì thị trường nhỏ, các đơn hàng chưa nhiều. Thực chất chỉ có những DN FDI hưởng lợi vì họ là những DN mạnh về tài chính, công nghệ nên đã đầu tư theo chuỗi và hưởng lợi. Đối với các DN Việt Nam, chúng ta vừa yếu về tài chính, công nghệ, trang thiết bị,... cho nên sức cạnh tranh kém. Do đó, để phát triển và tìm kiếm các cơ hội ở những thị trường mới, các DN cần đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, nâng cao công tác quản trị, chất lượng nguồn nhân lực,... nhằm tận dụng các cơ hội và đẩy mạnh phát triển.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Lê Tiến Trường cho biết thêm, cơ hội nhiều luôn đi kèm với những đòi hỏi rất khắc nghiệt. Trước đây, dệt may Việt Nam trông chờ rất lớn vào Mỹ vì đây là thị trường xuất khẩu dệt may chủ yếu của Việt Nam. Không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn có những thị trường mới như Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a,... đều được dự báo là thị trường tiềm năng và có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong một hai năm tới. Đồng quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, khi tham gia CPTPP, Hugaco nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung sẽ không được hưởng lợi nhiều, bởi sản phẩm dệt may xuất khẩu của Hugaco vào Mỹ hiện chiếm khoảng 65% đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị; đối với toàn ngành dệt may Việt Nam là hơn 30%. Mặc dù CPTPP không được kỳ vọng như TPP nhưng đây cũng là cơ hội để các DN dệt may Việt Nam nghiên cứu và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác vào thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại sân nhà. Riêng đối với các DN dệt may, trước sức ép cạnh tranh khốc liệt như vậy, nếu không có hướng đi hợp lý, mạnh về tài chính thì rất có thể nhiều DN phải bán lại thương hiệu cho công ty nước ngoài hoặc phải đi gia công cho các thương hiệu và phân phối ngay trong thị trường nước nhà.

Sân chơi mới cho lợi ích lâu dài

Theo Báo cáo Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/3, đối với Việt Nam, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các DN tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực DN nhỏ và vừa. Chuyên gia Kinh tế WB tại Việt Nam S.Éc-cát đánh giá, CPTPP sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thực hiện các cam kết CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, mặc dù không có Mỹ nhưng CPTPP có triển vọng đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước thành viên, thể hiện qua việc mở ra sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm 13,5% GDP toàn cầu và 500 triệu dân. Với Việt Nam, chúng ta tham gia từ đầu cho nên sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích. Bên cạnh triển vọng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên, điều quan trọng là CPTPP sẽ có tác động giúp chúng ta thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn và đó mới là lợi ích lâu dài. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho những DN chủ động đáp ứng những thay đổi về môi trường kinh doanh, đổi mới tư duy kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh. Theo Tổng Thư ký Vasep Trương Đình Hòe, với CPTPP, nhiều ngành nghề có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có nông sản nói chung và thủy sản Việt Nam nói riêng. Ngoài giá trị về thương mại, giảm thuế suất,... việc tham gia CPTPP còn là cơ hội cho những đổi thay về thể chế kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là một trong những kỳ vọng lớn của các DN thủy sản trong tiến trình hội nhập. Tổng Giám đốc Vinatex kiêm Phó Chủ tịch Vitas Lê Tiến Trường nhấn mạnh, việc ngành dệt may Việt Nam đánh giá các hiệp định thương mại tự do là những hiệp định vô cùng quan trọng, đặc biệt là với CPTPP. Chính vì vậy, việc Chính phủ tham gia và ký kết CPTPP sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước phát triển, trong đó có các DN dệt may Việt Nam và ngành coi đó là cơ hội thật sự cho việc mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển.

Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lợi ích mà Việt Nam được hưởng từ CPTPP với sự vắng mặt của Mỹ sẽ thấp hơn so với TPP trước đó. Tuy nhiên, lợi ích này không hề nhỏ nếu tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Chi-lê hay Pê-ru. Đây là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại. Ngoài ra, các cam kết tại TPP khi chuyển sang CPTPP gần như đều được giữ nguyên và như vậy, sẽ tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ cho Việt Nam vì tác động của cải cách thể chế không chỉ là trực tiếp mà còn gián tiếp từ các cam kết. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, CPTPP là thành tựu đáng trân trọng, cần ghi nhận nỗ lực của 11 nước thành viên đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thỏa thuận chung. Không có Mỹ tham gia hiệp định này Việt Nam sẽ được hưởng lợi ít hơn, bởi thị trường này chiếm đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta, nhưng CPTPP vẫn rất quan trọng bởi thành viên lớn nhất trong CPTPP hiện nay là Nhật Bản đang có mối quan hệ tốt, bổ sung với Việt Nam. Các quốc gia khác như Ca-na-đa, Chi-lê,... cũng có nền kinh tế phát triển hơn chúng ta. Bên cạnh đó, khung pháp luật và các vấn đề CPTPP đề cập là hình mẫu mới, các thỏa thuận trong CPTPP cũng có giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ 11 nước thành viên, là mô hình hiệp định quốc tế cho các hiệp định khác tham khảo, học hỏi.

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các nước thỏa thuận tham gia CPTPP đều kỳ vọng Mỹ sẽ trở lại hiệp định này trong một vài năm tới. Khi đó, CPTPP được kỳ vọng mang lại lợi ích rất lớn cho Việt Nam. Cùng với đó, các dự báo cũng cho thấy, số thành viên CPTPP sẽ không dừng lại ở con số 11 như hiện nay mà có thể tăng lên khi Hàn Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin,... đều đang ngỏ ý sẵn sàng tham gia. Điều này có thể giúp gia tăng lợi ích kinh tế đáng kể cho các bên liên quan, thậm chí lớn hơn so với dự kiến ban đầu của Hiệp định TPP.

Ngay cả khi dựa trên những nhận định rất thận trọng thì Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP cho Việt Nam tính đến thời điểm năm 2030. Với giả định thêm phần tăng năng suất, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%. 

U.Đi-ôn

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam

(Theo báo Nhân Dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục