Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách

(vasep.com.vn) Ngày 20/12/2017, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế (Ban Chỉ đạo) tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”.

Tham dự và chỉ đạo diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.

Diễn đàn năm nay có hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố; đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam... tham dự

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức diễn đàn và nhấn mạnh cần làm tốt hơn công tác dự báo, chủ động hơn trong hội nhập quốc tế. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã chủ động hội nhập, đạt được nhiều kết quả tích cực: kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, thu hút kỷ lục vốn đầu tư FDI; môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, ứng xử của chủ DN FDI với người lao động ngày càng tốt hơn; thu hút mạnh khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; nhiều thị trường mới được mở ra; chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế ở một số ngành, lĩnh vực…

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến, phản hồi của các DN về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với DN. Tuy nhiên, cần thúc đẩy các DN chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Các DN nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó những rào cản mới trong thương mại quốc tế. Trong thực thi các hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp phù hợp với những lĩnh vực tạm thời còn khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên.

Sau phiên khai mạc đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục