Chính phủ liên tục yêu cầu, Bộ vẫn chưa thực hiện

Nghị quyết 19 liên tục yêu cầu bãi bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã nhận thấy cần thiết phải bãi bỏ, nhưng Bộ vẫn chưa thực hiện.

Đây là một ví dụ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới khi báo cáo về nhưng vướng mắc trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Bộ này, quản lý, kiểm tra chuyển ngành quá mức cần thiết đang là lực cản cơ bản đối với cải cách cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới”; làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính quá mức đối với doanh nghiệp, nên tại Nghị quyết 19-2017, Chính phủ tiếp tục đặt trọng tâm cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu.

Thời gian qua, đã có một vài chuyển biến nhỏ trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành, như Bộ Y tế tháo gỡ các vướng mắc, bất cập cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong kiểm tra nhà nước và công bố phù hợp an toàn thực phẩm đối với các nguyên liệu, phụ gia, bao bì nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; Bộ Công Thương bãi bỏ kiểm tra formaldehyte đối với sản phẩm dệt may.

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã báo cáo ngay nội dung liên quan tới quy định bộ đội biên phòng kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền tại Thông tư 09/2016/TT-BQP.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những thay đổi trên còn quá ít so với gánh nặng về yêu cầu quản lý, kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp phải thực hiện.

Cụ thể, Nghị quyết 19 (2015, 2016, và 2017) đã nêu rõ các tiêu chí cải cách quản lý chuyên ngành (như áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; chuyển từ giai đoạn thông quan sang giai đoạn sau thông quan; minh bạch về danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; điện tử hóa thủ tục; áp dụng thông lệ quốc tế), nhưng nhìn chung đa số các Bộ quản lý chuyên ngành chưa chú trọng cải cách toàn diện các nội dung này.

Hiện nay, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn rất cao (khoảng 30%), trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp (dưới 1%) và Nghị quyết 19 đã  yêu cầu “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016”. Ngoài ra, các Bộ, ngành chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro hiện đại; vẫn thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với 100% lô hàng.

“Đây vẫn là một món nợ lớn của Chính phủ đối với doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định. Có khá nhiều vấn đề, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phát hiện, phản ánh nhiều lần, trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các Bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới những khó khăn, vướng mắc liên quan tới kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (như Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) chưa được giải quyết.

Một ví dụ khác, trong 3 năm qua, Nghị quyết 19 liên tục yêu cầu Bộ Công Thương bãi bỏ xác nhận khai báo hóa chất, nhưng và tại nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhận thấy cần thiết phải bãi bỏ, nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa thực hiện. Việc Bộ Công Thương quy định cấp “xác nhận khai báo hóa chất” không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, gây tốn kém chi phí, phiền toái cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian thông quan.

Vẫn còn Bộ, ngành chưa ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 (như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành danh mục kèm mã HS về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn).

Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Thông tư số 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế chưa được tháo gỡ và trên thực tế, thời gian thực hiện kéo dài có khi lên đến vài tháng. Những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới kiểm dịch động vật đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết.

Đáng lưu ý là tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều Bộ hoặc của các đơn vị khác nhau trong cùng một Bộ với các cách thức quản lý khác nhau. Thực tế này đã được phản ánh nhiều trong thời gian qua, nhưng các Bộ, ngành chưa chủ động phối hợp để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

Ví dụ, mặt hàng sữa tươi phải thực hiện kiểm dịch động vật (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý), kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (do Bộ Y tế quản lý). Mặt hàng sữa bột, phô mai phải thực hiện kiểm dịch động vật (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý) và kiểm tra an toàn thực phẩm (do Bộ Công Thương quản lý).

(Theo báo Chính phủ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục