Biến động thương mại toàn cầu: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Bên cạnh những thách thức không nhỏ đặt ra, vẫn có những cơ hội để doanh nghiệp Việt phát triển kinh doanh.

Tại Hội thảo Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trước những thay đổi của thương mại thế giới do VCCI Đà Nẵng phối hợp Ngân hàng Phương Đông OCB tổ chức, TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cấp cao, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM đã nêu ra những thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp Việt trong tình hình thương mại thế giới nhiều biến động.

Điểm qua tình hình cuộc chiến tranh thương mại đang lan rộng, biến động phức tạp và những động lực thúc đẩy toàn cầu hóa vẫn còn tồn tại, số liệu về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, những dữ liệu cho thấy kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và thương mại thế giới… Những điều này sẽ có tác động gì đến Việt Nam?

Thương mại thế giới giảm sút sẽ dẫn đến xuất nhập khẩu của Việt Nam bấp bênh. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên sẽ có tác động nhiều mặt đến nền kinh tế, theo dự báo của NCIF (Bộ KH-ĐT) GDP Việt Nam thiệt hại 6000 tỷ VNĐ/năm”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Thị trường chứng khoán giảm điểm, nhà đầu tư ngoại sẽ bán tháo cổ phiếu. Các cam kết thương mại dễ bị tổn thương, môi trường kinh doanh cũng thiếu ổn định. Đầu tư nước ngoài nhất định thận trọng hơn và có thể giảm sút. Một điều khác nữa kéo theo bởi cuộc chiến thương mại là tỷ giá biến động, giá nguyên vật liệu nhập khẩu thay đổi tăng, giá dầu thô tăng, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu cũng chịu tác động. "Tất cả điều này đều tác động đến lạm phát" - ông Doanh cho biết.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải làm gì? “Cần có điều chỉnh và chính sách thích hợp như đa dạng hóa thị trường, điều hành tỷ giá đồng VNĐ, cải cách năng lực cạnh tranh…”, theo Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Doanh nghiệp sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ như việc hàng hóa Trung Quốc đã và sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam theo các hình thức khác nhau (lập biên mậu, lập doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam để tránh thuế…). Giá nguyên vật liệu đắt hơn khi đồng tiền Việt bị mất giá. Thị trường biến động, nhu cầu cũng thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động, linh hoạt hơn.

Dù vậy, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vẫn có những cơ hội như tìm kiếm cơ hội “lấp chỗ trống” khi xuất khẩu của Trung Quốc và Mỹ giảm sút. Có thể tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ những mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế như dệt may, da giày, thủy sản (tôm, cá tra, cá ngừ…). Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể lấp chỗ trống ở thị trường Trung Quốc những mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế và giảm xuất khẩu như thịt heo, thịt bò, tôm hùm…

Việc cần làm tiếp theo của doanh nghiệp là cần tìm đối tác thích hợp để thâm nhập thị trường xuất khẩu trong tình hình thị trường biến động. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ chạy khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể thu hút họ có chọn lọc, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Trong tình hình này, ông Doanh cũng không quên nhấn mạnh đến việc Việt Nam đã ký kết nhiều FTA khu vực và song phương và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

(Theo DĐDN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục