14 hiệp hội kêu 'phí tái chế của Việt Nam cao hơn châu Âu'

Gửi kiến nghị đến 9 Bộ trưởng, 14 hiệp hội cho rằng, dự thảo áp định mức chi phí tái chế "cao bất hợp lý, hơn cả một số nước châu Âu".

14 hiệp hội kiến nghị gồm: Thực phẩm minh bạch; Lương thực thực phẩm TP HCM, Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam; Dệt may Việt Nam; Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam; Gỗ & Lâm sản Việt Nam; Chè Việt Nam; Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam; Nhựa Việt Nam; Doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Dự thảo định mức chi phí tái chế vừa được Bộ Tài nguyên & Môi trường trình Thủ tướng hồi tháng 7. Theo các hiệp hội, dự thảo đang có nhiều định mức tái chế (Fs) cao bất hợp lý, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Fs bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Các hiệp hội cho rằng một số định mức chi phí tái chế cao hơn cả mức trung bình của 14 nước Tây Âu là những nước phát triển, có chi phí đắt đỏ. Ví dụ, vỏ, bao bì nhôm, chi phí tái chế đang đắt hơn 1,26 lần; thủy tinh cao gấp 2,12 lần. Theo các hiệp hội, chi phí tái chế chỉ nên bằng 30-50% các nước Tây Âu vì giá nguyên liệu, công nghệ có thể như nhau nhưng giá nhân công tại Việt Nam chỉ bằng một phần mười của các nước này.

Theo ước tính của các hiệp hội, chỉ riêng 3 loại bao bì giấy, nhựa, kim loại, phí tái chế phải nộp ước tính 6.127 tỷ đồng một năm. Trong đó, hơn 50% phí (khoảng 3.064 tỷ đồng một năm) là để hỗ trợ tái chế bao bì giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton.

Điều này được cho là không phù hợp khi chi phí tái chế hiện nay chưa trừ đi giá các vật liệu thu hồi được, tức bỏ qua yếu tố lợi nhuận của các doanh nghiệp tái chế từ vật liệu hay thu hồi của bao bì. Thực tế, các vật liệu có giá trị thu hồi cao như sắt thép, nhôm, chai nhựa cứng khi các doanh nghiệp xử lý đều có lãi lớn. Ví dụ, với tái chế lon nhôm, các hiệp hội cho biết, các nhà tái chế chính thức thu lãi khoảng 700-1.286 tỷ đồng một năm.

"Việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nộp thêm nhiều ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà tái chế đang có lãi lớn là rất bất hợp lý", các hiệp hội nhận xét.

Ngoài ra, khoản chi phí lớn này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn. Người dân cũng bị ảnh hưởng đến túi tiền khi giá cả hàng hóa tăng cao. Do đó, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh định mức tái chế hợp lý hơn.

Các hiệp hội cũng đề nghị tháo gỡ các bất cập trong triển khai đóng góp tái chế ở Việt Nam. Đơn cử, thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào 4/2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường nhưng giảm được áp lực - tương tự cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau.

Doanh nghiệp cũng mong được phép kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức; Có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường, hoặc sử dụng vật liệu tái chế.

Đại diện VCCI trước đó cũng ủng hộ việc bảo vệ môi trường, nhưng muốn góp ý để có định mức tái chế phù hợp. Bởi nếu không có định mức khả thi sẽ không triển khai chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hiệu quả.

Còn Văn phòng EPR (đơn vị tổ chức quản lý, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu) cho biết, phương pháp xác định định mức chi phí tái chế đã được khảo sát tại nhiều cơ sở. Kết quả cho thấy chi phí tái chế thực tế là khác nhau giữa các cơ sở do nhiều yếu tố như công nghệ, trang thiết bị, xuất xứ từ các nước, sản phẩm đầu ra, yêu cầu chất lượng phế liệu đầu vào. Điều này dẫn đến khác biệt trong đề xuất chi phí liên quan giữa các nhóm.

Với các sản phẩm tái chế theo quy cách lại có yêu cầu mức độ đầu tư công nghệ, thiết bị khác nhau, khiến chi phí định mức tái chế khác nhau. Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tái chế trực tiếp từ sản phẩm, bao bì thải sẽ có mức chi phí tái chế cao hơn nhiều so với việc sản xuất ra nguyên liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy, Fs được đề xuất xác định dựa trên tính toán định mức chi phí sản xuất ra các sản phẩm cơ bản của quá trình tái chế trên nguyên tắc hỗ trợ.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm mở rộng tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ. Doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Bộ Tài nguyên & Môi trường là đơn vị được giao ban hành định mức tái chế cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.

Bảo Ngọc (Theo VnExpress)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục