Nhiều nhà bán lẻ lớn của Mỹ không đáp ứng tiêu chuẩn nhân quyền trong việc tìm nguồn cung ứng cá ngừ

(vasep.com.vn) Theo báo cáo do Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace), rất ít nhà bán lẻ làm tốt việc loại bỏ lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác khỏi chuỗi cung ứng cá ngừ- ngành công nghiệp trị giá 42,2 tỷ đô la. Theo báo cáo, chỉ có chỉ có 2 trong số 16 nhà bán lẻ - Aldi và Whole Foods Market - đủ điểm vượt qua kiểm tra các vấn đề về môi trường và tính bền vững trong nguồn cung ứng cá ngừ. Trong số 16 nhà bán lẻ, chỉ có Aldi nhận được điểm vượt qua tổng thể trong bảng điểm, đạt mức "D" với 61,5 /100 điểm.

Mallika Talwar, thuộc Greenpeace US, cho biết, các nhà bán lẻ tạp hóa tiếp tục “nhắm mắt làm ngơ” trước những hành vi lạm dụng tồi tệ trên biển. Ngay cả khi các nhà sản xuất trong các ngành kinh tế khác tôn trọng quyền con người và các tiêu chuẩn lao động thì việc lạm dụng trong đánh bắt cá ngừ vẫn ở trạng thái thiếu kiểm soát. Các đội tàu cần tuân theo đúng các tiêu chuẩn môi trường và lao động; người lao động xứng đáng được nhận sự an toàn nơi làm việc và mức lương hợp lý.

Greenpeace cho rằng điều kiện làm việc trên tàu đánh cá bị “che giấu” với người tiêu dùng Mỹ, kêu gọi các nhà bán lẻ và nhà cung cấp của họ tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe hơn. 

Chú thích ảnh

Greenpeace cho rằng điều kiện làm việc trên tàu đánh cá bị “che giấu” với người tiêu dùng

Trong số 16 nhà bán lẻ Greenpeace đã yêu cầu báo cáo, 11 cuộc khảo sát đã có kết quả và 5 cuộc khảo sát còn lại được đánh giá dựa trên thông tin có sẵn công khai. Whole Foods nhận được số điểm môi trường cao nhất, 84%, tiếp theo là Aldi với 78%. Aldi gần chạm điểm đạt về nhân quyền, ở mức 59,77%. Meijer đạt 15% về quyền con người và 23% về môi trường, điểm thấp nhất trong cả hai hạng mục. Sau Meijer là Wegmans với 17%, Southeastern Grocers với 18% và Publix với 19%.

Marilu Cristina Flores, thuộc Greenpeace US, cho biết, có các chính sách về quyền con người, lao động và tính bền vững là chưa đủ – các tập đoàn phải thực thi chúng một cách quyết liệt hơn. Mặc dù nhiều nhà bán lẻ có hướng dẫn về môi trường bền vững, nhưng chỉ có 5 nhà bán lẻ đạt điểm vượt qua trong hạng mục này. Và mặc dù các nhà bán lẻ vẫn có nhiều nền tảng để bảo vệ môi trường bền vững, nhưng lại không có hành động đối với các vi phạm nhân quyền.

Chú thích ảnh

Greenpeace chỉ ra rằng rất ít nhà bán lẻ cam kết tôn trọng Công ước về Lao động trong Nghề cá năm 2007 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó đưa ra hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn tối thiểu đối với điều kiện làm việc tiêu chuẩn trên tàu cá, bao gồm an toàn tại nơi làm việc, mức lương và điều kiện làm việc phù hợp, quyền tiếp cận với thực phẩm và nước sạch.

Trong hội nghị cá ngừ Infofish tổ chức vào tháng 10/2022 tại Bangkok, Francisco Blaha - cố vấn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc đã nêu vấn đề về quyền con người và điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng cá ngừ.

Trong khi tất cả các tổ chức chuỗi cung ứng trên biển và nghề cá được Hội đồng quản lý biển (MSC) chứng nhận đều phải báo cáo công khai các biện pháp đã thực hiện để giải quyết vấn đề lao động trẻ em và cưỡng bức. Blaha nhấn mạnh rằng tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra phổ biến ở một số nghề đánh bắt cá ngừ đồng thời lưu ý rằng tất cả các quốc gia nên cùng nhau quản lý các vùng biển để tránh tình trạng thiếu giám sát.

Thùy Linh (Theo undercurrentnews) 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục