Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5/2024 đạt 5,06 tỷ USD, lũy kế 5 tháng đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% ( tương ứng tăng 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước...
Xuất khẩu nhiều loại nông lâm thủy sản đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo báo cáo vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023. Trong đó: nông sản chính đạt 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%), lâm sản đạt 1,35 tỷ USD (tăng 17,9%), chăn nuôi 45,8 triệu USD (tăng 10,2%). Ngược lại, xuất khẩu thủy sản 780 triệu USD (giảm 3,5%) và xuất khẩu đầu vào sản xuất 153 triệu USD (giảm 6,9%).
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%. Riêng nhóm đầu vào sản xuất có kim ngạch xuất khẩu giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 756 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu tăng cao, trong khi nhập khẩu giảm mạnh (kim ngạch nhập khẩu 17,61 tỷ USD), nên toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuât siêu 6,53 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường đều tăng. Trong đó: xuất khẩu sang Châu Á 11,31 tỷ USD (tăng 17,5%); Châu Mỹ 5,4 tỷ USD (tăng 23,1%); Châu Âu 3,2 tỷ USD (tăng 39,4%); Châu Phi 459 triệu USD (tăng 26,1%) và Châu Đại Dương 341 triệu USD (tăng 24,8%).
"Trong 5 tháng đầu năm nay, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã tăng giá rất mạnh so với cùng kỳ năm trước: Gạo có giá xuất khẩu bình quân 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê đạt giá xuất bình quân 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%, cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tâbs, tăng 39,3%. Riêng hạt điều có giá xuất bình quân 5.378 USD/tấn, giảm 8,6%; chè 1.656 USD/tấn, giảm 0,8%…”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ chiếm 20,6%, tăng 23,9%; Trung Quốc chiếm 19,2%, tăng 8,6% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,6%; Cà phê tăng 44,1%; Gạo tăng 38,2%); Điều tăng 19,3%; Rau quả tăng 28,1%.
Xuất khẩu cà phê đang đạt được mức tăng ấn tượng nhất, với 2,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo tiếp nối phía sau, trong 5 tháng đầu năm đã xuất khẩu 4,15 triệu tấn gạo, đem về 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Với thị trường lúa gạo trong nước, giá lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ so với tháng trước. Tại Tiền Giang giá gạo nguyên liệu thành phẩm 25% tấm có giá trung bình 10.500 đồng/kg; loại 5% tấm có giá 11.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tháng trước.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết vừa qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá thấp hơn so với giá thị trường hiện nay, đang dấy lên lo ngại sẽ gây tác động xấu tới xuất khẩu gạo nước ta, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến việc giá lúa của bà con nông dân sắp tới..
Thực tế chi phí sản xuất lúa của nông dân đã tăng hơn so với trước đây nên lợi nhuận của nông dân hiện nay rất thấp. Theo một số chuyên gia, cơ quan quản lý cần giám sát và có động thái chấn chỉnh việc "bán phá giá" này, đồng thời thành lập sàn giao dịch gạo để minh bạch thông tin thị trường, thậm chí áp giá sàn xuất khẩu gạo như từng được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) áp dụng trước đây.
Đối với xuất khẩu rau quả, gỗ và điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho biết cũng tăng trưởng ấn tượng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, nước ta xuất khẩu 288 nghìn tấn điều chế biến, thu về 1,55 tỷ USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đem về 6,14 tỷ USD, tăng 28,1% so với 5 tháng đầu năm 2023. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 8, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024.
Nhờ tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Tại thị trường Hoa Kỳ, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,8% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của quốc gia này.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2024 đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do hiện đang là mùa vụ thu hoạch của nhiều loại trái cây, nên hiện tại thị trường trong nước, giá nhiều loại trái cây đang giảm: Sầu riêng Ri6 ở mức 70.071 đồng/kg, giảm 37.500 đồng/kg, giá Thanh long ruột đỏ ở mức 23.929 đồng/kg, giảm 4.643 đồng/kg so với tháng trước.
Thủy sản hồi phục trở lại
Đối với lĩnh vực thủy sản, tuy chưa đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như với các mặt hàng nông sản và lâm sản, nhưng xuất khẩu thủy sản sản đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kì năm 2023.
Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất trong 5 tháng đầu năm vẫn là Hoa Kỳ, sau đó đến Trung Quốc, tiếp theo là châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, riêng phile cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu sang thị trường này. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu phile cá tra đông lạnh sang Hoa Kỳ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ.
Trong các sản phẩm cá tra Việt Nam, Hoa Kỳ hiện đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến, giá trị gia tăng gấp 8,5 lần so với cùng kì năm 2023. Trong khi đó, cá tra đông lạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ lại giảm sút do nhu cầu của người tiêu dùng giảm.
Với thị trường châu Âu, mặc dù thị trường này sôi động trở lại từ tháng 4/2024 cho đến nay, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2024 ước chỉ đạt 70 triệu USD, vẫn sụt giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023.
"Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên nhập khẩu vẫn có tính thận trọng".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
Xuất khẩu tôm tháng 5/2024 đem về 361 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 5 tháng lên 1.335 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ xuất khẩu tăng, nên tôm nguyên liệu tại thị trường trong nước đã tăng: tôm thẻ loại 50-60 con/kg ở mức 80.667 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg, loại 100 con/kg ở mức 108.333 đồng/kg, tăng 2.600 đồng/kg).
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng rất mạnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, đem về 240 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 210 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ khởi kiện chống trợ cấp lên ngành tôm Việt Nam vào cuối năm ngoái và đến cuối tháng 3/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%. Thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta vẫn đang kỳ vọng khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ.
Xuất khẩu tôm sang EU trong 5 tháng đầu năm 2024 xấp xỉ 150 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số: xuất khẩu sang Đan Mạch tăng 88%, sang Đức tăng 29%, sang Hà Lan tăng 37%, sang Bỉ tăng 39%.
Theo Vn Economy