(vasep.com.vn) Theo Rabobank, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh chi phí sản xuất liên tục tăng.
“Báo cáo cập nhật Nuôi trồng thủy sản toàn cầu 6 tháng cuối năm 2022,” với phụ đề “Trên bờ vực suy thoái” cho thấy rằng lợi nhuận của người nuôi cá hồi và tôm có khả năng giảm so với mức cao gần đây và những tháng còn lại của năm 2022 có thể là thách thức với cả hai ngành.
Theo Gorjan Nikolik – Chuyên gia của Rabobank, dấu hiệu suy thoái kinh tế đã bắt đầu ở cả châu Âu và Mỹ trong thời gian phục hồi sau đại dịch. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu dịch vụ thực phẩm hạ nhiệt và người tiêu dùng sẽ ưu tiên ngành hàng bán lẻ.
Trong nửa đầu năm 2022, ngành cá hồi và tôm đều ghi nhận nhu cầu tiêu dùng và mức giá cao kỷ lục. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn cung của từng ngành đã phân hóa, với nguồn cung tôm tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 còn nguồn cung cá hồi giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, ở mức 6%.
Trung Quốc
Sự gia tăng nhu cầu với thủy sản nhập khẩu ở Trung Quốc có thể có lợi cho các nhà sản xuất tôm và cá hồi, đặc biệt là trong quý 4, miễn là quốc gia này không áp dụng lại các biện pháp hạn chế nhập khẩu liên quan đến COVID.
Bắc Mỹ
Nikolik cho biết, những người buôn hải sản ở Bắc Mỹ có thể gặp khó khăn trong vài năm tới. Mỹ vẫn là quốc gia với nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản lớn, nhưng nhu cầu về dịch vụ thực phẩm đang giảm rõ rệt. Đây có thể là sự khởi đầu của một giai đoạn dài đầy thử thách ở Mỹ.
Châu Âu
Tại châu Âu, thị trường trở nên khó đoán do xu hướng về nhu cầu của từng ngành hàng đối lập nhau, đi cùng với xu hướng suy thoái.
Nam Mỹ
Tại Nam Mỹ, Ecuador tiếp tục mở rộng nguồn cung tôm, Chile cũng dự kiến sẽ tăng nguồn cung cá hồi vào nửa cuối năm 2022 sau khởi đầu năm nay bị trì hoãn.
Đông Nam Á
Đông Nam Á đang ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu thủy sản như xuất khẩu của Việt Nam và Indonesia tăng vọt, dù Ấn Độ đang phải vật lộn để cân đối mức sản xuất từ cuối năm 2021 với đầu năm 2022.
Rabobank chỉ ra rằng Trung Quốc là trụ cột cho sự ổn định trên thị trường thủy sản toàn cầu. Trung Quốc có thể trở thành cường quốc nhập khẩu tôm và cá hồi trong Q4/2022. Tuy nhiên, việc đóng cửa do COVID và hạn chế nhập khẩu làm giảm khả năng đó. Dù vậy, Trung Quốc vẫn được tin sẽ là nước nhập khẩu tôm và cá hồi lớn nhất trước cuối năm nay.
Báo cáo dự báo chi phí thức ăn, cước phí vận tải hàng hoá và năng lượng sẽ vẫn ở mức cao và có thể tăng hơn nữa trong nửa cuối năm nay. Những người nuôi cá hồi trên thế giới đã hưởng lợi nhuận lớn trong suốt một năm rưỡi qua từ mức giá cao, và mức giá này được dự báo sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao cho đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, chu kỳ sản xuất dài của cá hồi hay chi phí thức ăn cao hơn vẫn chưa được đưa vào hạch toán của ngành và những chỉ số này sẽ làm giảm lợi nhuận của nông dân. Dù vậy, ngành chăn nuôi cá hồi vẫn được kỳ vọng sẽ tạo ra tỷ suất lợi nhuận tích cực.
Ngược lại, nếu nguồn cung tôm của thế giới tiếp tục tăng như trong nửa đầu năm 2022 hoặc nếu nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục giảm, Rabobank dự đoán giá có thể giảm xuống dưới mức hòa vốn cho người nuôi. Trên thực tế, ở một số lĩnh vực của ngành tôm toàn cầu, điều này đã xảy ra.
Nikolik cho biết: “Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành tôm nhưng sẽ có một giai đoạn đầy thách thức trong ngắn hạn”.
Trong khi đó, nguồn cung bột cá toàn cầu vẫn tương đối ổn định, mặc dù sản lượng bột cá của Peru dự kiến sẽ không cao hơn năm 2021. Sản lượng cao hơn ở các khu vực khác trên thế giới sẽ không bù đắp cho sản lượng thấp hơn ở Peru.
Giá bột cá đã tăng trong năm qua, vượt qua mức 1.600 USD (1.580 EUR)/tấn trong thời gian gần đây, trong khi giá đậu nành cao đã khiến bột đậu nành bán ra có giá gần như tương đương. Báo cáo cho thấy, giá cao kỷ lục đối với các sản phẩm thay thế rau như bột đậu nành đang khiến các nguyên liệu thủy sản trở nên tương đối cạnh tranh, với tỷ lệ giá bột cá/bột đậu nành đạt mức thấp mới vào tháng 5/2022.
Mỹ Hạnh (Theo seafoodsource)