Điều kiện doanh nghiệp đăng ký làm thêm 300 giờ/năm

Để bảo đảm tiến độ công việc, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động làm thêm đến 300 giờ/năm.

Theo khoản 3 Điều 107 Bộ Luật Lao động 2019 và Điều 1 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 , doanh nghiệp sẽ được phép huy động người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có sự đồng ý của người lao động; Có nhu cầu sử dụng lao động làm thêm đến 300 giờ/năm.

Trường hợp được bố trí lao động

Trong đó, một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp được sử dụng lao động làm thêm 300 giờ/năm như: sản xuất, gia công hàng dệt, may, da, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông…: Không giới hạn đối tượng người lao động.

Doanh nghiệp sẽ được phép huy động người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm nếu có sự đồng ý của người lao động Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các trường hợp còn lại không được huy động những người lao động sau đây làm thêm 300 giờ/năm: Người lao động từ đủ 15 tuổi - dưới 18 tuổi; Người lao động khuyết tật nhẹ suy giảm từ 51 %, khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; Người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 (trường hợp làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thủ tục đăng ký làm thêm

Theo khoản 4 Điều 107 Bộ Luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, để bố trí lao động làm thêm đến 300 giờ/năm, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục sau: Lấy ý kiến đồng ý của người lao động. Có thể thỏa thuận bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thông báo về việc tổ chức làm thêm 300 giờ/năm đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh. Nơi tiếp nhận thông báo: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các nơi sau: Nơi tổ chức làm thêm từ trên 200 - 300 giờ/năm; Nơi đặt trụ sở chính: Nếu trụ sở chính đóng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi tổ chức làm thêm từ trên 200 - 300 giờ/năm.

Hình thức thông báo: Bằng văn bản theo Mẫu số 02/PLIV tại Phụ lục IV của Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Thời hạn thông báo: Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm đến 300 giờ/năm.

Không thông báo sẽ bị phạt

Theo khoản 4 Điều 107 Bộ Luật Lao động, khi tổ chức làm thêm tối đa 300 giờ/năm, người sử dụng lao động buộc phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường hợp huy động người lao động làm thêm đến 300 giờ/năm mà không thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Theo quy định này, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 4 - 10 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Phương Linh

(Theo nld.com.vn)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục