Dịch COVID-19 làm chuyển dịch chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam

Đại dịch COVID-19 kéo dài cả năm 2020 tới hiện nay với nhiều biến chủng mới đã làm gián đoạn hoạt động thương mại thuỷ sản toàn cầu. Điều này tạo ra nhiều bất ổn trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu ở hầu hết các nhà cung cấp thủy sản lớn trên thế giới.
Dịch COVID19 làm chuyển dịch chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam
Ảnh minh họa

Nhu cầu thủy sản chuyển dịch từ tươi sống sang đông lạnh

Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 giai đoạn đầu khiến cho hoạt động thương mại thủy sản của thế giới bị gián đoạn ở những nơi và địa điểm nhất định trong khâu vận tải. Song đến cuối năm 2020 và đến nay hoạt động vận tải đã thích nghi được với những yêu cầu mới về phòng chống dịch nên không bị ách tắc. 

Xuất khẩu thủy sản ở Ấn Độ và một số nơi tại Đông Nam Á bị gián đoạn do thiếu lao động hoặc bị giãn cách... khiến cho hoạt động chế biến sản xuất bị ảnh hưởng.

Thị trường thủy sản toàn cầu năm 2020 giảm khá mạnh so với năm 2019 do dịch COVID-19, ước đạt 165 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2019. 

Thương mại thủy sản năm 2021 của thế giới tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 và một số yếu tố như các FTA song phương và đa phương có hiệu lực...

Dịch COVID-19 đã khiến cho xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản thế giới thay đổi. 

Người tiêu dùng giảm tiêu dùng những sản phẩm thủy sản tươi sống ở nhà hàng, lễ hội, tăng tiêu dùng thủy sản đông lạnh, chế biến sẵn, tiện dụng và có mức giá phù hợp trong bối cảnh giãn cách xã hội và phòng chống dịch. 

Xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài cho tới cuối năm 2021, khi các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Chuyển dịch cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm 2021

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,025 triệu tấn với trị giá 8,41 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 1,51% về trị giá so với năm 2019. 

Kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2020 không đạt được như kế hoạch song đây cũng là kết quả khả quan trong một năm cả thế giới phải chịu những tác động xấu từ dịch COVID-19.

Dịch COVID19 làm chuyển dịch chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Dịch COVID-19 làm nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các thị trường giảm, song xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2020 chỉ giảm nhẹ so với năm 2019. 

Trong khi xuất khẩu thủy sản tới những thị trường lớn như Mỹ, Nga, Anh, Australia, Canada tăng mạnh so với năm 2019.

Sự chủ động chuyển dịch cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu tới từng thị trường tiếp tục được các doanh nghiệp thực hiện trong những tháng đầu năm 2021. 

Mặc dù dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nhất định ở Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của cả nước 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng  13%  về  trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều đạt kết quả tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2020, chỉ riêng xuất khẩu thủy sản tới thị trường Trung Quốc giảm.

Thị trường ưu tiên tôm cỡ trung bình

Đối với tôm, đây là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 42% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản cả nước trong nửa đầu năm 2021. 

Những sản phẩm tôm thẻ chân trắng, tôm sú cỡ trung bình đông lạnh được đẩy mạnh xuất khẩu do nhu cầu những mặt hàng này trong bối cảnh chống dịch COVID-19 trên thế giới tăng cao. 

Các doanh nghiệp cũng đã chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm tôm cho phù hợp từng thị trường xuất khẩu. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm tháng 7 chiếm 27% về lượng và chiếm 51% về trị giá xuất khẩu thủy sản, đạt 46,5 nghìn tấn với trị giá 437 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 7/2020. 

Các thị trường đang được đẩy mạnh xuất khẩu tôm là Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cá tra đẩy mạnh ở thị trường truyền thống

Cá tra là sản phẩm thủy sản rất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh chống dịch COVID-19 do là hàng đông lạnh dễ bảo quản, dễ chế biến và tiện dụng ở nhà, đặc biệt là có mức giá rất cạnh tranh so với các sản phẩm cá thịt trắng khác trên thị trường thế giới. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng đã chuyển dịch thị trường cung ứng trong giai đoạn những tháng đầu năm 2021 là đẩy mạnh xuất khẩu cá tra tới các thị trường lớn và truyền thống như Mỹ, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nga... hơn là xuất khẩu tới những thị trường "khó tính" như EU...

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021 cá tra của Việt Nam được xuất khẩu tới 96 thị trường và hai khu vực thị trường ASEAN và EU với 447 nghìn tấn, trị giá 909 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khác như cá ngừ, chả cá, cá khô và nghêu cũng được đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2021 do nhu cầu thế giới tăng cao.

(Theo Vietnambiz)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục