Chỉ 30% doanh nghiệp thủy sản phía Nam đủ điều kiện hoạt động, VASEP đề xuất giải pháp “sống chung với dịch"

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc các doanh nghiệp (DN) của hiệp hội gặp khó khăn và đưa ra những kiến nghị để ngành thủy sản “sống chung với dịch".

Ngày 3/8, nguồn tin của Dân Việt xác nhận, Tổng thư ký VASEP đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NNPTNT để trình bày về việc các DN của hiệp hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là đợt áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM và 19 tỉnh thành phía Nam.

Chỉ có 30% doanh nghiệp đủ điều kiện duy trì hoạt động

VASEP hiện có 270 DN thành viên, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào.

Theo VASEP, thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản ở phía Nam đảm bảo được điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ). Hiện những nhà máy này cũng chỉ huy động từ 30% đến 50% số lượng công nhân do một số lao động phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, vì vậy công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40% đến 50% so với trước đây.

Chỉ 30 doanh nghiệp thủy sản phía Nam đủ điều kiện hoạt động VASEP đề xuất giải pháp “sống chung với dịch
Ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Còn các DN không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất dẫn đến một số hệ lụy như nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách.

VASEP cho biết: Nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40% đến 50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách xã hội. Dự tính nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt từ 20 đến 30%.

Đối với việc thực hiện phương châm "3 tại chỗ", VASEP cho rằng, đây chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài 2 đến 3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa và 4 đến 5 tuần đối với doanh nghiệp lớn. Do phải gồng gánh quá nhiều khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất và thực hiện các quy định chống dịch Covid-19 tại nhà máy.

Còn phương châm "1 cung đường – 2 địa điểm" cũng có nhiều bất cập khi các địa phương còn cứng nhắc trong việc xác định 2 địa điểm cần kiểm soát, hoặc yêu cầu cần tập hợp công nhân tại một điểm và xe công ty phải đón đến nhà máy. Điều này thực sự gây ra nhiều khó khăn cho DN khi công nhân ở nhiều nơi khác nhau, phải di chuyển đến điểm tập kết chung mà xe ô tô đưa đón thì có hạn, số lượng công nhân trên xe cũng phải đảm bảo không quá 50% số ghế.

Bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại diện doanh nghiệp thủy sản đề xuất giải pháp “sống chung với dịch
Công nhân đang xử lý thịt thủy sản tại một donh nghiệp thủy sản.

Theo VASEP, trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho DN đảm bảo được "3 tại chỗ" lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn: Chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn-ngủ-làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%...

Đề xuất những giải pháp "sống chung với dịch Covid-19"

Trước thực tế trên, VASEP kiến nghị trước mắt ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức "3 tại chỗ" ở các địa phương. 

Về lâu dài, VASEP cho rằng ngành thủy sản sẽ phải "sống chung với đại dịch", kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ". Các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần. Mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật) sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được tổ chức xét nghiệm 3 lần/tháng. 

Bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại diện doanh nghiệp thủy sản đề xuất giải pháp “sống chung với dịch
Chế biến, phân loại tôm tại một doanh nghiệp thủy sản.

Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm...; hướng dẫn các biện pháp an toàn "chặt trong, chặt ngoài", kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho doanh nghiệp và sinh kế cho công nhân, đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy. 

Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị có hỗ trợ cho công nhân, người lao động gặp khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách cụ thể như: Giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các doanh nghiệp...

(Theo Dân Việt)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục