Bộ Tài chính lần thứ 4 đề nghị TP HCM sửa mức thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn

3 công văn trước đó của Bộ Tài chính nêu rõ mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP HCM và tại các địa phương khác gây bất bình đẳng và có sự phân biệt đối xử. Bộ Tài chính đề nghị UBND thành phố trình HĐND sửa đổi mức thu phí, đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND TP HCM về việc sửa đổi quy định mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Đây là công văn thứ 4 của cơ quan này gửi UBND TP HCM liên quan đến vấn đề nêu trên.

Chú thích ảnh

Bộ Tài chính đề nghị UBND thành phố trình HĐND sửa đổi quy định mức thu phí, đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch.

Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị UBND TP HCM khẩn trương báo cáo HĐND thành phố sửa đổi Nghị quyết số 10/2020 về thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp quy định Luật Phí và lệ phí.Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được Công văn của UBND tỉnh Đồng Nai, Cục Hải quan Bình Dương góp ý về đến đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM; Công văn của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng báo cáo một số bất cập, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP HCM.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2681 ngày 17/3/2021, Công văn số 6665 ngày 21/6/2021, Công văn số 2784 ngày 25/3/2022 gửi UBND TP HCM. Các công văn nêu rõ việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử.

Theo Điều 8, Luật Phí và Lệ phí, mức phí được xác định cơ bản đảm bảo bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP HCM trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng về tính hợp lý của Nghị quyết 10/2020 và rà soát nội dung Hiệp định vận tải đường thủy Việt Nam - Campuchia để điều chỉnh Nghị quyết thu phí đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp với quy định.

Về việc thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP HCM, trước đó nhiều doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia cho rằng về mặt lâu dài việc thu phí để tái đầu tư hạ tầng là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng thêm chi phí sản xuất đầu vào như giá xăng dầu đang tăng cao thì nên cân nhắc, tính toán lộ trình cho phù hợp hoặc giảm tối đa mức thu có thể.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp nói chung và ngành logistics nói riêng đã chịu thiệt hại đáng kể sau dịch Covid-19. Hiện doanh nghiệp đang trong quá trình khôi phục và đang cố gắng phục hồi. Việc thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa cộng thêm chi phí sản xuất đầu vào tăng cao như vừa qua đang làm chậm quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Đầu tháng 3, 7 hiệp hội ngành nghề trong đó có Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng có kiến nghị tập thể gửi đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và HĐND, UBND TP HCM đề xuất chưa thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố.

7 hiệp hội cho rằng mức phí thấp nhất 15.000 đồng/tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM) và phí cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu), là khá cao. Thêm nữa, thời gian áp dụng chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, mức phí với những lô hàng mở tờ khai ngoại quan trên địa bàn TP HCM rẻ bằng 1/2 so với việc mở tại địa phương khác. Điều này được cho là chưa phù hợp, vì sẽ dẫn đến biến động lớn về việc dịch chuyển mở tờ khai hải quan ở các địa phương khác về TP HCM càng nhiều, gây quá tải số tờ khai nộp tới Hải quan TP HCM và khiến cán bộ hải quan thành phố quá tải trong xử lý công việc, gây ắc tắc việc khai báo, dẫn đến chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chính vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị việc thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP HCM năm nay nên được miễn và đề xuất thu 50% phí vào năm sau, như vậy mới giúp doanh nghiệp một phần trong quá trình phục hồi này.

Đồng thời, các hiệp hội cũng kiến nghị điều chỉnh các mức thu giảm xuống theo hướng công bằng và áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/container đối với container 20ft; 500.000 đồng/container với container 40ft. Mức thu 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.

Theo quyết định được phê duyệt, TP HCM thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND TP HCM đã lùi thời gian thu phí đến 1/10/2021. Sau đó, trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thành phố tiếp tục lùi đến 1/4/2022.

Ngày 17/2 vừa qua, UBND thành phố có văn bản về việc chạy thử hệ thống thu phí nhưng chưa thu tiền trong thời gian 17/2-15/3, trước khi đưa vào thu phí chính thức từ 1/4.

Bảo Ngọc (Theo Người đồng hành)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục