Bộ Tài chính đề xuất giãn hoãn thêm thuế, tiền thuê đất để kiểm soát lạm phát năm nay

Từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo Điều hành giá tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng để có giải pháp điều hành phù hợp. Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian 3, 6 và 9 tháng.

CPI quý I vừa qua tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, theo dự báo của nhiều định chế tài chính áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá cả nguyên, nhiên liệu và hàng hóa trong nước tăng theo giá của thị trường thế giới, cộng với lạm phát ở các nước như Mỹ, EU cũng được dự báo tăng cao. 

Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng. Ảnh: Cổng TT Bộ Tài chính.

Nhằm kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% năm nay như chỉ tiêu Quốc hội giao, Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng cho biết phải áp dụng đồng thời 3 giải pháp. Trước tiên là thực hiện các nhóm giải pháp như giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

Về tổng thể, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng đã họp và thống nhất từ nay đến cuối năm tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp.

Giải pháp tiếp theo theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng là thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, để tăng nguồn cung hàng hóa trong nước.

Cuối cùng là làm tốt công tác điều hành thị trường để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Ngoài ra, ông Hưng còn cho rằng phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ; mọi người dân và doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu tác động của giá thế giới tới thị trường trong nước.

Từ đầu năm đến nay giá cả hàng hóa ở thị trường thế giới tăng nhanh đã tác động lên thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã tác động đến giá cả hàng hóa, trong đó có lương thực, thực phẩm tăng đột biến. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã kéo theo giá cả hàng hóa tăng, trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu và tác động lên lạm phát.

Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát cũng tăng cao. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1/1982. Lạm phát tại Anh tháng 2 tăng 6,2%, mức cao nhất trong 30 năm qua. Các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng 2 cao hơn Việt Nam.

Ở Việt Nam, lạm phát bình quân quý I/2022 năm nay so với năm trước tăng 1,92%. Kết quả vừa nêu có được là nhờ việc điều chỉnh chính sách tài khóa trong đó có điều chỉnh chính sách thuế. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022, trong đó giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT (trừ một số nhóm hàng); giảm nhiều loại thuế, phí trong đó có lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước; thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, ...

Ngoài ra, trong bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế BVMT đối với xăng dầu, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… Ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm nay là khoảng 88.000-90.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian 3, 6 và 9 tháng.

Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian 3, 6 và 9 tháng. Ảnh minh họa,
Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian 3, 6 và 9 tháng. Ảnh minh họa,

“Việc giãn thuế như vừa nêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho các doanh nghiệp. Tôi cho rằng tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào sẽ giảm áp lực chi phí, giúp lạm phát được kiềm chế”, Thứ trưởng Tài chính nói.

Cũng liên quan đến dự báo lạm phát, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 3, HSBC cho rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát, vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh câu chuyện nhiên liệu.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 ở mức thấp so với mục tiêu 4%. Tuy nhiên áp lực đối với năm nay là hiện hữu.

Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới, do nhu cầu tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu, trong khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo cho thấy giá dầu neo ở mức cao và có thể kéo dài ít nhất trong 1 năm tới.

Mặt khác, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Ngoài ra, các gói hỗ trợ và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.

Các tổ chức quốc tế cũng dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay tăng ở mức 3,5-4%. Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ vượt ngưỡng 4% do phụ thuộc vào giá cả hàng hoá thế giới. Trong đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã có những cảnh báo đối với Việt Nam về rủi ro “lạm phát nhập khẩu” gia tăng. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ cũng cần phải có những kịch bản cần thiết theo hướng thắt chặt để kiểm soát lạm phát.

Phương Linh

(Theo ndh.vn)

 

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục