7000 tỷ đồng phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn mới

(TSVN) – Đây là nguồn kinh phí dành cho Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, 1.000 tỷ đồng dành cho các dự án phát triển NTTS ưu tiên; 6.000 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đảm bảo mục tiêu đến năm 2030, sản lượng NTTS đạt 7 triệu tấn/năm.

Định vị sản xuất

Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, nhưng hữu hạn. Do vậy, để hướng tới phát triển bền vững, ngành thủy sản đã xác định chuyển trọng tâm sang lĩnh vực NTTS, giảm cường lực khai thác. Chính vì thế, NTTS từ một nghề sản xuất phụ, mang tính chất tự cấp tự túc đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển ở tất cả các thủy vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

NTTS đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng khắp, có vị trí quan trọng và đang tiến đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung.

Theo Chương trình quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, NTTS trong giai đoạn tới phát triển hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm NTTS; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng NTTS đạt 5,6 triệu tấn/năm. Ảnh: CTV

Cụ thể, đến năm 2025, tổng sản lượng NTTS đạt 5,6 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị NTTS đạt trung bình 4%/năm; đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 7 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi đạt trên 4,5%/năm. Cùng đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm NTTS. Đồng thời đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng NTTS tập trung và vùng sản xuất giống tập trung.

Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, Chương trình này đã xây dựng lên tổng số 24 dự án với tổng nguồn vốn cần thiết là 7.000 tỷ đồng. Trong đó, theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản: Giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ đã xác định 9 nhóm dự án với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng về phát triển NTTS và 19 dự án/nhóm dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển NTTS ưu tiên với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng.

Xác định trọng tâm

Chương trình quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tập trung vào 6 nội dung trọng điểm. Trong đó, về sản xuất giống sẽ chú trọng nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời phát triển sản xuất giống thủy sản theo nhóm loài. Trong đó, chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm sú, TTCT bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.

Về nuôi, nhóm loài phát triển sẽ bao gồm tôm nước lợ; cá tra; cá rô phi; nhóm cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể; cá nước lạnh; các loài giáp xác (trừ tôm nước lợ, tôm hùm); cá truyền thống, bản địa, thủy đặc sản.

Riêng với tôm nước lợ, sẽ áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất để tiết kiệm nước, nhiên liệu, thân thiện với môi trường, hướng tới không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường; nuôi có chứng nhận… Cùng đó, đa dạng hóa các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu; Ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát nhiệt độ vào mùa đông (đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế); Ưu tiên phát triển các hình thức nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, tôm – lúa…

Đối với cá tra, thực hiện kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi theo các quy định hiện hành, khuyến cáo mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn để tạo sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường; Khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghệ xử lý nước thải, bùn thải để bảo vệ môi trường.

“Về nhóm tăng trưởng của giai đoạn tới, chúng ta sẽ chú trọng vào nhuyễn thể, cá biển và rong tảo biển. Với nhóm cá tra, chúng ta không tăng trưởng nhiều về sản lượng nhưng sẽ tăng trưởng về giá trị”, ông Cẩn cho biết.

Tìm giải pháp khả thi

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến từng nhấn mạnh: Việt Nam có diện tích mặt nước nước sông, suối, bãi triều, đầm phá, cửa sông rộng lớn… tạo nên tiềm năng to lớn để phát triển NTTS. Hoạt động sản xuất NTTS nước ta không ngừng phát triển, tạo vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định phát triển kinh tế xã hội nhiều vùng nông thôn, vùng núi, ven biển… Thế nhưng, vấn đề trong NTTS hiện nay là hạ tầng và môi trường, môi trường kém thì hiệu quả nuôi thấp, không có sức cạnh tranh…

Cũng băn khoăn về tình hình nuôi thủy sản hiện nay, ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, chia sẻ 3 vấn đề. Một là về con giống, hiện nay chúng ta tập trung vào hai đối tượng nuôi chính là tôm nước lợ và cá tra. Trong đó, giống cá tra hiện nay đang bị thoái hóa dần, dẫn đến cá ăn nhiều nhưng không lớn, mắc nhiều bệnh, tỷ lệ chết cao. Về tôm nước lợ, thì tôm sú gần như dựa vào tự nhiên, với TTCT thì hiện chúng ta mới chỉ sản xuất khoảng 5%, còn lại là nhập khẩu. Thứ nữa là về cách đánh giá VietGAP, chúng ta không thể đánh giá và chứng nhận theo tiêu chuẩn, mà bắt buộc phải là quy chuẩn, làm thực chất chứ không phải hình thức. Vấn đề nữa là hiện có tình trạng người dân mua phải thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng, chế phẩm sinh học, thuốc thú y không hiệu quả, do đó, cần phải siết chặt quản lý.

Đồng tình với điều này, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, đã kiến nghị: Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các tỉnh có vùng sản xuất giống tôm tập trung kiểm soát tốt chất lượng giống bố mẹ nhập vào, tôm giống trước khi sản xuất cho các vùng nuôi thương phẩm trong cả nước.

Còn về NTTS trên biển, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng: Trong Chương trình phát triển này thì NTTS trên chưa được quy định chi tiết. Khác với nuôi thủy sản trong ao, đầm, phát triển nuôi biển yêu cầu phải chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại, bởi vậy nó phải gắn với việc giao khu vực biển, cùng đó là một quy định rõ ràng. Các địa phương cần có hướng dẫn cụ thể, minh bạch về các tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai thực hiện, tránh tình trạng như hiện nay là dân tự làm và tự chịu.

Thu Hằng (theo Thủy sản Việt Nam)

Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục