Xuất khẩu cá tra sang EU chưa thoát khỏi mức âm

(vasep.com.vn) Tính đến nửa đầu tháng 5/2021, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường EU đạt 39,4 triệu USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, GTXK sang Hà Lan giảm 21,7%; Tây Ban Nha giảm 33%; Đức giảm 50,8% và Bỉ giảm 38,2%. Như vậy, ba năm trở lại đây, giá trị XK cá tra sang EU vẫn chưa thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm ảm đạm.

Xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chưa thoát khỏi mức âm

Theo nguồn tin từ một số nhà NK lớn của EU, năm 2020, thị trường thủy sản EU bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Covid-19, các biện pháp giãn cách ở Italy, Pháp, Đức... tác động không nhỏ tới lưu thông vận chuyển hàng hóa nội khối và ngoại khối. Đầu năm 2021, thị trường bán lẻ EU tăng mạnh, tăng 30% so với năm trước. Tuy nhiên ngành dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, khách sạn...) vẫn rất chậm.

Thêm nữa, các nhà NK theo phương thức FOB bị khó khăn do chi phí vận chuyển đường biển cao, giá bán cá tra ở EU vẫn ổn định, tuy nhiên nhiều nhà NK dè dặt mua hàng. Tháng 3/2021 khoảng 2,2 USD/kg và 3,3 USD/kg với sản phẩm phile cao cấp, chưa qua xử lý (giá tại Tp.HCM).

Tại Châu Âu, thị trường lớn nhất của cá tra là khu vực Bắc Âu, người tiêu dùng quan tâm nhiều tới tính an toàn, giá cả và sự tiện lợi.

Hầu hết các sản phẩm cá tra được cung cấp thông qua các nhà nhập khẩu và bán buôn và cuối cùng là dịch vụ bán lẻ và thực phẩm trên khắp châu Âu. Các nhà nhập khẩu chuyên dụng sẽ nhập khẩu các sản phẩm cá tra bằng tàu container (đối với các sản phẩm đông lạnh) sang Châu Âu. Họ sẽ bán cá tra trực tiếp cho các phân khúc thị trường có liên quan hoặc gia tăng giá trị cho sản phẩm cá tra trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Các phân khúc thị trường cuối cùng của châu Âu có liên quan nhất đối với cá tra là dịch vụ bán lẻ và thực phẩm ở Bắc Âu. Cá tra được đưa đến đó thông qua các nhà nhập khẩu và bán buôn.

Hiện nay, Bangladesh và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh với cá tra Việt Nam, tuy số lượng NK từ hai thị trường này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng giá trị NK lại ngày càng tăng.

Do các vấn đề về chuỗi cung ứng, các nhà xuất khẩu Bangladesh thường không thể bán hàng cho các thị trường khắt khe cao cấp như lĩnh vực bán lẻ, nơi thường phải có chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và tính bền vững. Thay vào đó, cá tra Bangladesh thường nằm ở phân khúc thấp của thị trường dịch vụ ăn uống. Một lợi thế lớn đối với Bangladesh là quốc gia này được hưởng lợi từ quy chế GSP+, quy chế này cho phép các nhà xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Do đó, cá tra Bangladesh khá cạnh tranh trên thị trường châu Âu về giá cả. Trung Quốc Trung Quốc là một quốc gia khác xuất khẩu số lượng nhỏ cá tra sang Liên minh châu Âu. Hàng năm, không quá 50-100 tấn cá tra sang châu Âu.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm cá tra XK sang EU là sản phẩm cá tra phile đông lạnh. Trong đó, Hà Lan là thị trường XK lớn nhất của DN cá tra Việt Nam, đây cũng vẫn là thị trường NK sản phẩm cá tra giá trị gia tăng lớn.

Việt Nam XK chủ yếu các sản phẩm sau sang thị trường Hà Lan: Cá tra fillet đông lạnh; philê cá tra organic đông lạnh; cá tra cắt khoanh đông lạnh; cá tra nguyên con đông lạnh; cá tra fillet xiên que đông lạnh; cá tra tẩm bột tempura hương bia chiên đông lạnh; chả cá tra tẩm gia vị đông lạnh; cá tra fillet cắt miếng loin đông lạnh; cá tra cắt khúc đông lạnh; cá tra fillet tẩm gia vị đông lạnh...

Hiện nay có hơn 13 DN XK cá tra sang thị trường Hà Lan, trong đó ba DN lớn nhất là: NTSF; VINH HOAN CORP và VINH QUANG.

Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục