Xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp thủy sản điều chỉnh doanh thu năm 2023

Quý 1 năm nay, xuất khẩu giảm sâu đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp thủy sản phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh trong năm.
Chú thích ảnh
Sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Cà Mau. Ảnh: N.H

Điều chỉnh giảm

Là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra quy mô lớn, doanh thu của Công ty CP Vĩnh Hoàn giảm mạnh trong quý đầu năm. Trong báo cáo tài chính quý 1/2023 vừa được doanh nghiệp này công bố cho thấy, doanh thu quý 1 của công ty đạt 2.221 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn giảm hơn 1 nửa, chỉ còn 384 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,8% xuống chỉ còn 12,8%. Vĩnh Hoàn thu về gần 219 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1, giảm tới 60% so với cùng kỳ. Dù giảm mạnh so với cùng kỳ, song lợi nhuận doanh nghiệp cá tra này đã phục hồi đáng kể so với khoản lãi gần 200 tỷ đồng đạt được trong quý 4/2022.

Được mệnh danh là "vua tôm", Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với khoản lỗ 98,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lãi hơn 91 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty này lỗ theo quý trong 10 năm trở lại đây. Năm 2023, Minh Phú lên kế hoạch doanh thu 17.985 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.146 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường, Minh Phú sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh của năm 2023 hoặc nỗ lực tăng tốc thì phải chờ đại hội cổ đông dự kiến diễn ra cuối tháng 6/2023.

Tương tự, mặc dù nằm trong top 10 xuất khẩu thủy sản và trong top 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, nhưng trước thực trạng xuất khẩu khó khăn, đơn hàng giảm, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 đều giảm so với kết quả thực hiện của năm 2022. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 mới đây, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 2.300 - 3.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 100 - 130 triệu USD; sản lượng xuất khẩu phấn đấu từ 8.500 - 11.500 tấn; lợi nhuận trước thuế từ 20 - 25 tỷ đồng. Để gia tăng xuất khẩu, công ty cho biết, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, công ty sẽ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ tôm, tranh thủ, tận dụng các Hiệp định thương mại nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, công ty nghiên cứu mở rộng thêm các sản phẩm chiều sâu có giá trị tăng cao.

Tại Đại hội cổ đông của Công ty CP Thủy sản Cà Mau đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 825 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước thuế đạt 30 tỷ đồng, giảm 11,7% so với thực hiện năm 2022; sản lượng tiêu thụ 6.438 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 32.000 USD. Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu sản xuất tôm đông các loại đạt 2.100 tấn; năm 2023, Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) đặt mục tiêu xuất khẩu mang về 340 triệu USD, lợi nhuận 500 tỷ đồng và cổ tức chia tỷ lệ 100%. Công ty cũng dự trình kế hoạch kinh doanh sản xuất cho nhiệm kỳ 2023 - 2025: Sản lượng tôm đông với 90.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến 1.020 triệu USD. Lợi nhuận cho 3 năm đạt 1.500 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023, Stapimex đặt mục tiêu sản lượng thành phẩm sản xuất 30.000 tấn, trong đó Xí nghiệp Tân Long 12.000 tấn và Xí nghiệp An Phú đạt 18.000 tấn.

Xuất khẩu vẫn khó khăn

Mặc dù dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ tăng lên từ quý 2/2023, nhưng đến hết tháng 4, xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2023, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị giảm. Nguyên nhân là tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước này suy giảm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác. Tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn tại ĐBSCL, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng bị tác động do xuất khẩu khó khăn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 vừa công bố, Sao Ta báo doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.008 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thuỷ sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 955 tỷ đồng, mảng bán hàng nông sản chiếm 55 tỷ đồng. Giá vốn cũng giảm tương ứng 23% xuống 928 tỷ đồng, theo đó lãi gộp của Sao Ta đạt 80 tỷ đồng. Mức lãi gộp này giảm 32% so với cùng kỳ, tính chung biên lãi gộp trong quý đạt khoảng 7,9%, thấp hơn gần 1 điểm % so với mức 8,8% của cùng kỳ năm ngoái. Theo lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhận thấy chi phí logistics tăng quá cao nên mấy năm gần đây, doanh nghiệp này đã chuyển hướng về thị trường xuất khẩu gần mà Nhật Bản là thị trường trọng điểm. Quý 1/2023, thị phần Nhật Bản chiếm hơn 40% giá trị xuất khẩu của Sao Ta. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hoá trong kỳ giảm mạnh. Tỷ suất lợi nhuận ở thị trường Nhật Bản tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế cao, nên Sao Ta sẽ tập trung tổng lực để phát triển thị trường mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức đối với ngành thủy sản trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ đang đến, nhưng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. SSI dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn trong quý 3/2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm này. Tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành thủy sản sẽ giảm vào năm 2023. Với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt là đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao. Nhìn chung, các chuyên gia SSI dự báo các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023.

Theo Hải quan Online

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục