Các chuyên gia tại Rabobank (tổ chức định chế tài chính hàng đầu thế giới) dự báo năm 2024 thị trường thủy sản toàn cầu sẽ có bước chuyển tích cực, trong đó tôm và cá tra thuộc 4 loại thủy sản hàng đầu đáng chú ý.
Ngành tôm Việt Nam dự báo tăng khoảng 6% trong năm 2024
Tôm tăng trưởng 4,8% và cá tra 2,8%
Các chuyên gia tại Rabobank cho rằng, năm 2024 có 4 loại thủy sản hàng đầu chuyển mình đáng chú ý là: Tôm, cá tra, cá rô phi, cá chẽm và cá tráp. Phân tích về tôm và cá tra như sau.
Sản xuất tôm toàn cầu giảm khoảng 0,4% trong năm 2023, sẽ tăng khoảng 4,8% trong năm 2024, với tổng sản lượng vượt mức kỷ lục của năm 2022. Ngành tôm châu Á sau 10 năm thịnh vượng đã “khủng hoảng” trong năm 2023, sang năm 2024 sẽ hồi phục để tăng khoảng 4%. Việt Nam giảm 15% năm 2023 sẽ tăng khoảng 6% trong năm 2024. Ấn Độ giảm 12% năm 2023, sẽ tăng 2% năm 2024 và thu hẹp diện tích tôm thẻ chân trắng để mở rộng tôm sú. Còn Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng chưa hồi phục trong năm 2024.
Quốc gia sản xuất tôm hàng đầu thế giới là Ecuador sẽ chững lại. Bởi hiện tượng El Nino gây mưa kéo dài, tiềm ẩn lũ lụt phá cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nguồn nước nuôi tôm khiến Ecuador tăng 12% năm 2023 sẽ chậm lại trong năm 2024, chỉ khoảng 7%.
Tuy nhiên, sản lượng có tăng như dự báo còn phụ thuộc nhu cầu tiêu dùng của Mỹ và châu Âu. Giá tôm phục hồi thì người nuôi mới thôi “treo” ao, tích cực thả nuôi.
Về cá tra, năm 2024 tăng khoảng 2,8%, và cũng phụ thuộc nhu cầu tiêu dùng, hàng tồn kho, đặc biệt là ở Trung Quốc. Dự báo khả quan thì sản lượng toàn cầu đạt 3,2 triệu tấn. Việt Nam tiếp tục đứng đầu, chiếm 52% sản lượng toàn cầu. Ấn Độ tăng 5% để đạt 695.100 tấn, Bangladesh 474.347 tấn, Indonesia 229.030 tấn, Trung Quốc 400.000 tấn.
Giá thức ăn thủy sản vẫn cao
Các chuyên gia tại Rabobank lưu ý giá thức ăn thủy sản vẫn cao trong năm 2024. Do Peru là nước chế biến và xuất khẩu bột cá chủ lực của thế giới, vào tháng 6/2023 đã quyết định dừng khai thác cá cơm (mùa 1) tại vùng Trung Bắc để đảm bảo sinh khối cá con và hạn ngạch tạm thời về sản lượng đánh bắt vùng này giảm hẳn xuống 1,091 triệu tấn (năm 2022 là 2,79 triệu tấn). Từ đó, giá bột cá toàn cầu tăng chóng mặt làm chi phí đầu vào nuôi thủy sản bị đội lên, khiến nhiều người nuôi chỉ hòa vốn hoặc lỗ.
Chi phí thức ăn hiện là vấn đề làm người nuôi thủy sản đau đầu, bởi chiếm 50 - 60% chi phí đầu vào. Để hỗ trợ người nuôi cũng như thích nghi bối cảnh mới, các nhà sản xuất thức ăn thủy sản đang tính toán lại thành phần thay thế bột cá. Nhiều thí nghiệm chiết xuất protein từ côn trùng như ruồi lính đen, tằm, dế, gián, có những nghiên cứu cách đây nửa thế kỷ nhằm tách chiết đạm đơn bào (SCP) từ sinh khối khô của tế bào, hoặc từ môi trường nuôi cấy vi sinh vật đã được mở lại để tìm lời giải cho bài toán thức ăn thủy sản hiện nay.
Ông Gorjan Nikolik, chuyên gia của Rabobank, cho rằng bức tranh thức ăn thủy sản toàn cầu sẽ thay đổi; các nhà sản xuất protein thay thế dễ có sự nghiệp kinh doanh lớn mạnh.
Chế biến thức ăn thủy sản ở Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản ở Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi để góp phần đưa ngành thủy sản vượt qua thách thức.
Dây chuyền sản xuất hiện đại của của nhà máy De Heus Cần Thơ
Đáng chú ý, như tin Tép Bạc đã đưa, ngày 26/9/2023 De Heus Việt Nam khánh thành nhà máy De Heus Cần Thơ sản xuất thức ăn cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ có công suất 240.000 tấn/năm. Đây là nhà máy thứ 10 của chủ đầu tư giàu kinh nghiệm từ Hà Lan và là nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất thức ăn cho cá tra. Nhà máy trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại từ châu Âu và Mỹ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo các chứng nhận ISO 22000, BAP, GlobalGAP. Sản phẩm của nhà máy là kết quả các giải pháp dinh dưỡng đột phá.
Đồng thời, De Heus còn đem đến cho người nuôi những dịch vụ, giải pháp dinh dưỡng và công nghệ hỗ trợ hiệu quả kinh tế. De Heus cũng đang triển khai dự án điện mặt trời áp mái với công suất 20 MWp tại hệ thống các nhà máy và trang trại. Đây là dự án điện mặt trời áp mái lớn nhất trong năm 2023 tại Việt Nam, dự kiến hoàn thành năm 2024, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho thủy sản trên thị trường thế giới.
De Heus có những trung tâm R&D nghiên cứu và thực nghiệm trong lĩnh vực thủy sản như kiểm tra, đánh giá về giá trị dinh dưỡng của các nguyên liệu, các công thức chế biến thức ăn thủy sản chất lượng cũng như thực nghiệm ứng dụng các giải pháp nuôi trồng tiên tiến. Ở các trung tâm, chuyên gia De Heus đã thực hiện nhiều thí nghiệm chuyên sâu trên các chủng loại cá tra, điêu hồng, lóc, rô phi, rô đồng, trê, chim trắng, chép, ếch và cả tôm sú, tôm thẻ chân trắng để có thức ăn hợp lý.
Theo Tép bạc