(vasep.com.vn) Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, nhưng chi phí vận tải có nguy cơ tăng cao, cùng tình trạng dư thừa nguồn cung tôm có thể làm chao đảo toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu 2024.
Triển vọng ngành nuôi trồng thủy sản thế giới 2024 phụ thuộc phần lớn vào tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là ba thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới và sẽ quyết định toàn bộ diễn biến nhu cầu tiêu dùng. Theo các chuyên gia kinh tế, Cục dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm trong khi Trung Quốc đối diện đợt giảm phát có khả năng khiến giá cả thị trường của sản phẩm thủy sản nuôi thấp hơn, lượng tiêu thụ tăng và trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản tại châu Á. Ngành tôm, cá, thức ăn chăn nuôi và chuỗi cung ứng có thể đối mặt nhiều “điểm nghẽn” trong năm nay.
Ngành tôm tiếp tục đối mặt thực trạng dư thừa nguồn cung do sản lượng tôm của Ecuador dự kiến vượt 1,4 tiệu tấn vào năm 2023, tương đương tỷ lệ tăng 12%. Trung Quốc được dự báo nhập khẩu 1 triệu tấn tôm với mức giá trung bình tương đối thấp. Trong quý 3/2023, lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh so cùng kỳ năm trước, nâng tổng khối lượng nhập khẩu tôm cả năm lên mức dự kiến 800.000 tấn nhưng giá tôm vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ.
Cá rô phi Trung Quốc vẫn bị áp thuế 25% tại thị trường Mỹ khiến lợi thế nghiêng về các nước Trung Mỹ và Brazil. Theo ghi nhận của FAO, những nước dẫn đầu về sản xuất cá rô phi như Trung Quốc và Ai Cập đang có dấu hiệu chững lại do đầu vào tăng cao, dẫn đến sản lượng thấp hơn so với dự kiến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung toàn cầu năm 2024. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho Brazil, Đông Nam Á và Nam Á mở rộng thị phần.
Giá khô đậu và ngô đều giảm gần 30% trong hơn 12 tháng qua. Dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ khó tăng trở lại do chính phủ Mỹ đã thực thi nhiều chính sách khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo như ethanol từ ngô. Phụ phế phẩm từ ethanol sẽ được đẩy sang thị trường thức ăn chăn nuôi làm nguồn cung tăng lên. Ngược lại, giá bột cá đã tăng 25% trong vòng hơn 5 năm qua. Những đợt tăng giá bột cá gần đây đều do ảnh hưởng của El Nino khiến Peru cắt giảm hạn ngạch đánh bắt cá cơm, nguyên liệu chính chế biến bột cá. Theo Rabobank, El Nino còn tiếp tục ảnh hưởng đến ngành bột cá trong nửa đầu năm 2024.
Nhìn chung, giá thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ hạ nhiệt. Đối với với thực trạng giá tôm cổng trại lao dốc, nhiều quốc gia ở châu Á đang tích cực khuyến khích sử dụng thức ăn chăn nuôi có lượng protein thấp hơn với giá rẻ hơn để giúp nông dân duy trì lợi nhuận. Với công nghệ cho ăn thông minh, các trại nuôi cũng giảm lượng bùn thải tích tụ đáy ao, từ đó giảm nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra, xu hướng thức ăn chăn nuôi bền vững sẽ ngày càng được thúc đẩy trong những năm tới.
Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ châu Á sang châu Âu đã tăng gấp đôi lên 4.000 USD và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao này do sự cố tại kênh đào Suez buộc nhiều tàu phải thay đổi hành trình.
Do mực nước thấp, kênh đào Panama đã hạn chế số lượng tàu thuyền di chuyển hàng ngày. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Panama cùng với việc quãng đường di chuyển quanh châu Phi kéo dài hơn sẽ kéo theo tình trạng khan hiếm chỗ trên các tàu chở hàng.
Tuy nhiên, ngành thủy sản châu Á có sức chống chịu tốt cùng khả năng ứng phó linh hoạt nên sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Theo truyền thống văn hóa Trung Quốc, năm Giáp Thìn 2024 biểu tượng cho sức mạnh và những điều tốt lành. Do đó, năm 2024 được kỳ vọng là thời điểm thuận lợi để ngành thủy sản toàn cầu thực hiện những bước khởi đầu mới và xây dựng nền móng thành công lâu dài.