Mặc dù doanh thu bán hàng và lợi nhuận sau thuế của PAN trong quý 1/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng điểm tích cực vẫn được ghi nhận ở mảng kinh doanh thủy sản, trong bối cảnh toàn ngành này đang gặp khó khăn chung.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 của CTCP Tập đoàn Pan (HOSE: PAN) mới công bố cho thấy, doanh thu bán hàng quý 1/2023 ghi nhận ở mức 2.635 tỷ đồng, chỉ bằng 87% doanh thu bán hàng của quý 1/2022, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi, các khoản giảm trừ doanh thu tăng 30,1% và chi phí lãi vay tăng 58,6%, do đó lợi nhuận sau thuế quý 1 giảm 36,5%, đạt 106,8 tỷ đồng.
Sự suy giảm về doanh thu được PAN lý giải do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng suy giảm tại một số mặt hàng ở các thị trường chủ lực của PAN như cá tra, tôm, hạt điều.
Trong quý 1/2023, tiền và các khoản tiền tương đương của PAN sụt giảm 32,5% từ 1.873 tỷ đồng (31/12/2022) xuống còn 1.263 tỷ đồng (31/3/2023). Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 32,8% lên 3.971 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 1. Tổng cộng nguồn vốn quý 1 giảm nhẹ 0,4% còn 16.021 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 1/2023 của PAN cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 106 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính do trong cùng kỳ quý 1/2022, PAN ghi nhận khoản lợi nhuận đến từ giao dịch chuyển nhượng tại nhà máy gần 74 tỷ. Nếu so sánh riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi, PAN vẫn ghi nhận tăng trưởng 13% về lợi nhuận sau thuế.
Mặc dù doanh thu giảm, nhưng PAN vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh chính. Nguyên nhân chủ yếu do việc đẩy mạnh khai thác vùng nuôi thủy sản mới để giảm giá vốn cũng như việc cải tiến, tối ưu hóa nhà xưởng, dây chuyền đã góp phần tăng hiệu quả kinh doanh tại các công ty thành viên.
Cụ thể, ở lĩnh vực nông nghiệp, các mảng giống cây trồng và nông dược, khử trùng vẫn duy trì được kết quả tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt mang về 1.100 tỷ đồng doanh thu và 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Lĩnh vực thủy sản ghi nhận kết quả khởi sắc trong bối cảnh ngành thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.
Mảng chế biến xuất khẩu tôm đạt 1.010 tỷ đồng trong doanh thu quý 1/2023, giảm 24% so với cùng kỳ do nhu cầu suy giảm từ các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của mảng này đạt 48,6 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
Mảng cá tra xuất khẩu có doanh thu đạt 124 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 9,2 tỷ đồng, tăng mạnh tới 21% so với quý I/2022.
Lợi nhuận sau thuế của xuất khẩu tôm, cá tra là kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Động lực chính đến từ sự hiệu quả của vùng nuôi tự chủ hàng trăm ha và vẫn đang tiếp tục mở rộng, cũng như tối ưu hóa trong dây chuyền sản xuất giúp cho giá thành sản xuất giảm, gia tăng biên lợi nhuận thuần.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thủy sản, PAN vẫn có lợi thế cạnh tranh của khi thị trường xuất khẩu cá tra trọng tâm là Nhật Bản, các sản phẩm chủ yếu là chế biến sâu với giá trị gia tăng cao nên ít bị ảnh hưởng. Cùng với đó, trong quý 1, chi phí xuất khẩu (vận tải) giảm đáng kể, qua đó lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ”, Báo cáo tài chính của PAN lý giải.
Tại lĩnh vực thực phẩm đóng gói tiêu dùng, mảng bánh kẹo có doanh thu đạt 242 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết nguyên đán sụt giảm tương đối mạnh so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế đạt mức 3 tỷ đồng, nếu loại trừ lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy tại quý 1/2022, mảng bánh kẹo vẫn giữ được mức lợi nhuận sau thuế tương đương so với cùng kỳ. Mảng hạt, snack xuất khẩu cũng đạt kết quả kinh doanh tương đương so với cùng kỳ với doanh thu đạt 75 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu PAN tăng 50 đồng lên 18.600 đồng/cổ phiếu.
Theo Mekongasean