Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nuôi trồng thủy sản đang là một trong những ngành có giá trị nhất ở Australia.
Báo cáo của Cục Nông nghiệp, Tài nguyên kinh tế và Khoa học Australia cho biết giá trị của ngành này ở mức gần 2,29 tỷ AUD (1,51 tỷ USD). Nuôi trồng thủy sản cũng được cho là giải pháp tiềm năng để tránh tình trạng đánh bắt thủy sản quá mức và là cách cung cấp protein bền vững cho thế giới.
Trên thực tế, cá là một trong những mặt hàng thực phẩm được mua bán nhiều nhất. Nhu cầu về cá đang ngày càng tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cá của thế giới từ lâu đã có nguy cơ cạn kiệt do tình trạng khai thác quá mức và đánh bắt bất hợp pháp. Trong bối cảnh dân số gia tăng và nguồn cá sắp cạn kiệt, ngành nuôi trồng thủy sản đã góp phần rút ngắn khoảng cách.
Giáo sư Dean Jerry, Giám đốc trung tâm nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Australia về nuôi trồng thủy sản nhiệt đới siêu nhanh, cho biết nuôi trồng thủy sản là nuôi trồng bất kỳ loài thủy sinh nào và hoạt động này có thể nhằm mục đích chủ yếu là sản xuất lương thực. Đây là lĩnh vực thực phẩm phát triển nhanh nhất trên toàn cầu và nếu được thực hiện tốt, điều này sẽ bền vững hơn so với đánh bắt cá tự nhiên, nghĩa là con người có thể kiểm soát tốt hơn đối với mức độ sản xuất và không nhất thiết phải đánh bắt đại trà trong các đại dương, dùng các loại lưới để bắt những sinh vật mà họ không muốn bắt.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản đã chịu nhiều chỉ trích kể từ khi phát triển mục đích thương mại cách đây khoảng 50 năm do nước thải từ nuôi trồng thủy sản được cho là có thể gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh và làm bệnh tật lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó là việc sử dụng kháng sinh và hóa chất. Tuy vậy, Giáo sư Jerry cho rằng các quy định chặt chẽ về môi trường đang giữ cho ngành nuôi trồng thủy sản của Australia bền vững. Trong những năm gần đây có rất nhiều nỗ lực nhằm vượt qua một số thách thức mà ngành trên phải đối mặt, bao gồm giảm lượng cá đánh bắt tự nhiên để làm thức ăn (được gọi là bột cá) cho động vật ăn thịt như cá hồi, song điều đó không thể diễn ra trên toàn cầu.
Mặc dù Australia sản xuất hải sản chất lượng cao, nhưng ước tính khoảng 70% hải sản tiêu thụ ở nước này là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ châu Á. Vấn đề đối với Australia là nền kinh tế có chi phí cao, chi phí lao động và chi phí đầu vào cao. Australia cũng có những quy định chặt chẽ về môi trường, hạn chế sử dụng kháng sinh và một số hóa chất nhất định, trong khi một số sản phẩm nhập từ châu Á lại không có những hạn chế chặt chẽ, do đó, từ góc độ sức khỏe con người, các sản phẩm đó thực sự có thể không bổ dưỡng bằng các sản phẩm được sản xuất tại Australia.
Nghiên cứu sinh Scott Spilias thuộc Đại học Queensland (Australia), cho biết việc trồng rong biển có thể giảm thiểu các vấn đề liên quan đến các trang trại nuôi cá. Hiện rất nhiều người quan tâm đến việc trồng những thứ như rong biển và vành đai sinh học bên cạnh các trang trại nuôi cá để rong biển và vành đai sinh học có thể hấp thụ các dưỡng chất dư ra, từ đó mang lại hai lợi ích là tạo ra thêm sản phẩm khác và giảm tác hại đến môi trường. Các sản phẩm khác ở đây gồm thức ăn cho vật nuôi, nhiên liệu sinh học và cả những loại thực phẩm mới như protein từ thực vật./.
Theo Bnews