Giá thức ăn tăng quá cao khiến người nuôi cá ở ĐBSCL lao đao, không ít chủ ao mạo hiểm 'neo cá' chờ giá, còn người chưa nuôi thì không dám thả giống.
Thu hẹp diện tích thả nuôi
Từ đầu năm đến nay, giá bán cá tra nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao, tuy nhiên, với giá thức ăn tăng cao, các vật tư đầu vào khác như xăng dầu, thuốc, hóa chất xử lý môi trường, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản cũng tăng giá, người nuôi lợi nhuận từ 500 - 1.500 đồng/kg. Nhưng điều nghịch lý ở các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn tại ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ... lại hạn chế mở rộng diện tích nuôi.
Ông Lê Văn Tâm, ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có gần 20 năm trong nuôi cá tra. Ông Tâm cho biết, chưa bao giờ giá thức ăn cho cá tăng liên tục như hiện nay. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn đã tăng lên 6.000-8.000 đồng/kg, chưa kể giá xăng dầu và các loại chi phí khác cũng tăng theo khiến giá thành của con cá tra bị đội lên cao. Đây cũng là lý do mà nhiều người đã thu hẹp quy mô nuôi cá, dù giá cá tra đang đứng ở mức cao so với mọi năm.
Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong đang đầu tư nuôi cá thát lát ghép với cá sặc rằn cho rằng: “Nếu xuất bán cá vào thời điểm này thì nhà nông khó có lời do giá thức ăn tăng quá cao, trong khi giá bán cá tăng không tương xướng. Không ít người nuôi chọn giải pháp neo lại chờ giá nhưng cách này lại rủi ro là kéo dài thời gian nuôi, tiêu tốn thêm thức ăn và tăng chi phí”. |
Riêng gia đình ông Tâm trước đây thường nuôi 5 hầm cá, bình quân mỗi hầm rộng 2-3 ngàn mét vuông nhưng nay chỉ thả nuôi 3 hầm thôi. Vì nếu thả nuôi mới trong giai đoạn này, giá thành sản xuất cá tra thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg nên bán ra phải trên giá này hoặc giá thức ăn phải giảm xuống thì người nuôi cá mới mong có lợi nhuận.
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt, cho biết: “Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, tình hình xuất khẩu cá tra nhanh chóng phục hồi và phát triển, các thị trường lớn đã mở cửa nhập khẩu mạnh cá tra trở lại. Mặc dù giá xuất khẩu có tăng nhưng lợi nhuận giảm do chi phí đầu vào tăng, nhất là thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi cá tra, từ đó dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao. Trong bối cảnh đó, chúng tôi vẫn duy trì sản xuất để giữ chân công nhân, giữ vững thị trường”.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 vượt xa so kỳ vọng, đây được xem là nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, An Giang nói riêng. Sản lượng và giá xuất khẩu tăng, từ đó làm cho giá cá nguyên liệu trong nước cũng tăng.
Tuy nhiên, giá có tăng nhưng người nuôi đạt lợi nhuận thấp, bởi giá thành nuôi gần bằng với giá bán ra, trong đó giá thức ăn tăng liên tục đã gây áp lực cho ngành cá tra. Để ngành hàng cá tra phát triển và người nuôi có lãi trong thời điểm “bão giá thức ăn” tăng cao, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và cả hộ nông dân đẩy mạnh việc liên kết trong nuôi cá giống lẫn cá thịt, phục vụ xuất khẩu.
Qua mối liên kết này, chúng ta sẽ kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn đầu vào mua tận nguồn gốc để giảm bớt chi phí vận chuyển, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
Mạo hiểm “neo cá” chờ giá
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang, tổng diện tích nuôi thủy sản đến tháng 3 là 2.079 ha/kế hoạch cả năm 2023 là 9.100 ha. Trong đó, cá tra thả nuôi được hơn 80 ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp gần 49 ha, TP Ngã Bảy gần 23 ha, huyện Châu Thành gần 9 ha… Sản lượng đã thu hoạch được 9.464 tấn. Cá thát lát thả nuôi được 52,5 ha, các hộ nuôi chủ yếu tập trung ở huyện Phụng Hiệp với 38 ha diện tích thả nuôi, còn lại rải rác ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Sản lượng cá thát lát đã thu hoạch 248 tấn, chủ yếu bán cho các cơ sở thu mua chế biến chả cá, cá thát lát rút xương hoặc nguyên con tẩm gia vị…
Theo bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Ngũ Thường Mekong (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), giá thức ăn thủy sản thời gian qua tăng khá cao, hiện nay Hợp tác xã mua vào để nuôi cá lên tới 660.000 đồng/bao 25 kg, loại đạm cao (42% đạm), còn loại 30% đạm cũng trên 500.000 đồng/bao. Để giảm chi phí đầu tư, cá tại đơn vị được nuôi trong chuỗi kinh tế tuần hoàn, tức là sử dụng phân bò để nuôi trùn quế, thu hoạch trùn quế làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, mỗi tuần cũng chỉ có thể cho ăn bổ sung bằng trùn quế 2 lần, còn lại vẫn phải lệ thuộc vào thức ăn công nghiệp.
Theo tính toán của bà Hằng, để sản xuất ra 1 kg cá thát lát thương phẩm thì hệ số thức ăn tiêu tốn từ 1.4 - 1.5, đó là đã cho ăn bổ sung trùn quế. Còn nuôi thông thường thì lên tới 1.6 - 1.7 hệ số/kg cá thương phẩm. Đối với cá sặt rằng còn cao hơn, 2.0 hệ số/ký cá thương phẩm. Như vậy, để có 1 kg cá xuất bán, chỉ riêng chi phí thức ăn đã lên tới 45.000 - 50.000 đồng. Chưa kể chi phí mua cá gống, công chăm sóc 9-10 tháng, chi phí điện, nước trong suốt thời gian ấy…
Thế nhưng, giá cá sặc rằn thương phẩm xuất bán hiện nay chỉ ở mức 50.000 - 55.000 đồng/kg, còn cá thát lát là 60.000 - 65.000 đồng/kg. Với mức giá này thì người nuôi cá đang gặp rất nhiều khó khăn, rất khó có lời để đầu tư nuôi tiếp.
Theo một vị giám đốc đại diện diện cho công ty có nhiều năm trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước hay nhập khẩu về Việt Nam đều tăng cao. Do có nhiều nguyên nhân tác động như: Đầu vào nguyên liệu tăng cao gấp đôi, giá dầu tăng, lãi suất ngân hàng tăng và vận chuyển logistic tăng…
Đó là những yếu tố gây khó khăn cho nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Chính vì vậy giá thức ăn chăn nuôi gần 2 năm nay luôn ở mức cao, từ đó doanh nghiệp tăng giá bán thức ăn trong nước theo nên gây áp lực khó khăn cho nông dân nuôi thủy sản hay nuôi gia cầm, gia súc.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất thức ăn còn cho biết thêm, từ giữa năm 2022 đến nay nhà sản xuất thức ăn phải chịu 3 đợt tăng giá từ nguyên liệu nhập khẩu. Cụ thể có 3 thành phần chính để sản xuất thức ăn, mà các nhà sản xuất phải phụ thuộc nhập khẩu, như bột cá hiện doanh nghiệp nhập khẩu vào nhà máy để sản xuất phải chịu phí tăng giá thêm 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021, còn nhập bột mì tăng giá thêm 4.000 đồng/kg và nhập bã đậu nành tăng giá thêm 7.500 đồng/kg…
Qua 3 đợt tăng giá, nhà sản xuất thức ăn trong nước tính toán đã đội chi phí lên thêm trên 20.000 đồng/kg, chính vì vậy buộc các doanh nghiệp muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm phải tăng giá theo, biết rằng khi bán ra thị trường sẽ gây khó khăn cho nông dân.
Để giá thức ăn bình ổn, giúp người chăn nuôi có lời, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi kiến nghị nhà nước cần có chính sách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bằng 0 và giảm lãi suất ngân hàng.
Đồng thời kêu gọi doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi từ thủy sản và thịt gia cầm, gia súc… bao tiêu về giá mức ổn định để giúp người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đủ sức cầm cự, vượt qua khó khăn trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao hiện nay.
Là người có thâm niên nuôi cá tra hàng chục năm nay, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã cá tra Thới An, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ xác nhận, giá cá tra thương phẩm hiện ở mức tăng cao so với hơn 2 năm qua. Tuy giá cao nhưng người nuôi có lãi không nhiều do giá thức ăn tăng gấp đôi so với các năm trước. Thực tế tỷ lệ nông dân nuôi cá tra vui mừng chưa được 10% vì thời điểm này không mấy người có cá để bán, do thời gian qua phải treo ao hoặc “ngâm cá” nên quá lứa. |
Thu Hằng (theo Nông nghiệp Việt Nam)