(vasep.com.vn) Hai tháng đầu năm 2023, các sản phẩm mực, bạch tuộc đóng góp 8% trong tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam, với giá trị trên 89 triệu USD. Riêng trong tháng 2, XK mực, bạch tuộc tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 47 triệu USD.
Trong cơ cấu sản phẩm mực, bạch tuộc XK, mực chiếm tỷ trọng cao hơn bạch tuộc. Duy nhất sản phẩm mực sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) có giá trị XK tăng nhẹ, XK các sản phẩm mực, bạch tuộc còn lại đều giảm trong đó giảm mạnh nhất là mực chế biến khác (HS 16) với mức giảm 20%.
Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng giá trị XK. Hai đầu năm 2022, XK mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 31 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ. Hàn Quốc chủ yếu NK từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh...
Nhật Bản đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng 26%. 2 tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 23 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
EU đứng thứ 4 về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam. Trong đó Italy, Pháp và Tây Ban Nha nằm trong top 3 thị trường NK lớn nhất, chiếm lần lượt 48%, 14% và 13% tổng XK mực bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường EU.
Là sản phẩm có giá cả phải chăng nên nhu cầu NK mực, bạch tuộc từ các thị trường tiêu thụ không bị biến động nhiều. Năm 2022, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt gần 763 triệu USD, tăng 25% so với năm 2021.
Năm 2023, các doanh nghiệp XK mực, bạch tuộc tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức cho hoạt động XK mực, bạch tuộc.