Bí thư Khánh Hòa: Một bước nhỏ để vươn ra biển lớn nuôi trồng thủy sản

VOV.VN - Hôm nay (24/5), lần đầu tiên, tỉnh Khánh Hòa hạ thủy lồng nhựa HDPE tại khu vực biển hở, ở xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh. Tham gia buổi hạ thủy, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định: Tỉnh sẽ đi từng bước nhỏ để vươn ra biển lớn trong tổ chức nuôi trồng thủy sản.

Với lợi thế nhiều đầm, vịnh, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa phát triển nhanh về số lượng nuôi trồng thủy sản trên biển, tạo sinh kế cho hàng vạn người dân ven biển, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, nuôi biển ở tỉnh Khánh Hòa chủ yếu mang tính tự phát, trình độ kỹ thuật thấp, lồng nuôi bằng gỗ, ô nhiễm vùng nuôi, dịch bệnh. Đầu ra bấp bênh, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các nghề nuôi...

Từ thực tế cho thấy, lồng nuôi làm bằng vật liệu HDPE được các doanh nghiệp sử dụng để nuôi cá chẽm, cá chim vây vàng, cá bớp tại một số vùng biển không bị thiệt hại do mưa bão. Qua các mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa triển khai, việc ứng dụng lồng nuôi nhựa HDPE quy mô nông hộ cho thấy hiệu quả, phù hợp với quy mô nhỏ, cần được nhân rộng.

bi thu khanh hoa mot buoc nho de vuon ra bien lon nuoi trong thuy san hinh anh 1
Mô hình lồng vuông bằng nhựa HDPE an toàn hơn so với lồng gỗ truyền thống.

Lần này, với sự hỗ trợ của Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn Vingroup, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã đưa lồng nhựa HDPE ra vùng biển hở để thí điểm nuôi cá chim, tôm hùm. Chương trình sẽ hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển.

Ông Nguyễn Minh Thơ, ở phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh cho biết: “Bè bữa nay làm gỗ đến mười mấy triệu 1 khối gỗ xẻ ra nhưng không chắc chắn bằng bè nhựa này. Nó chống chịu bão hơn so với bè gỗ của mình, giám sát có camera, có định vị nếu đứt dây, trôi đi đâu mình có định vị để biết.”

bi thu khanh hoa mot buoc nho de vuon ra bien lon nuoi trong thuy san hinh anh 2
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (ngoài cùng bên phải) cùng các cán bộ chủ chốt tỉnh Khánh Hòa phát động nuôi biển công nghệ cao. 

Các lồng nuôi mới hạ thủy lần này đều có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa trên mọi thiết bị điện tử, trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới nuôi công nghiệp.

Trong quá trình nuôi thí điểm, các lồng nuôi sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù của ngư dân địa phương. Ông Hoàng Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản cho rằng, mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao sẽ có tác dụng thay đổi phương thức sản xuất của người nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà:

“Mô hình này phù hợp với bà con vì kết cấu vững chắc, chia thành nhiều ô nhỏ, phù hợp điều kiện canh tác. Thiết kế rất kiên cố để chống chịu với sóng gió, có khung lồng, có nhiều hệ thống phao, đai nó nguyên khối không cần cắm cọc như các lồng tại các vịnh khác. Thuận tiện cho bà con đi lại chăm sóc mà không cần phải lặn xuống.”

Thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% lồng nhựa HDPE và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ.

Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Khánh Hòa kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm.  

bi thu khanh hoa mot buoc nho de vuon ra bien lon nuoi trong thuy san hinh anh 3
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (áo xanh) và ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (áo trắng) thả tôm giống.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tại các vùng biển kín, vùng biển hở.  Các cơ quan chức năng đang xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thuỷ sản được thả nuôi.

“Đây là bước đi nhỏ để vươn ra biển lớn, càng vùng biển xa thì rủi ro, thách thức lớn trong quá trình nuôi. Qúa trình thí điểm này cũng là quá trình chúng ta hoàn thiện dần mô hình lồng bè, cách nuôi, phương thức nuôi để nuôi biển đạt được hiệu quả cao nhất. Đạt được điều này, chúng ta sẽ nuôi biển xa hơn theo quy mô công nghiệp, tạo ra hiệu quả lớn, thực sự trở thành ngành kinh tế lớn của Việt Nam.”Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết./.

Theo VOV

Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục