Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên nhóm đầu thế giới

Đó là chủ đề buổi hội thảo diễn ra chiều ngày 12/10 tại Sóc Trăng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong bối cảnh của nền kinh tế mở định hướng thị trường, với xu thế ngày càng tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một hướng đi đúng, mang tầm chiến lược.

Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong cả nước

Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong cả nước

Thủy sản là nguồn sinh kế cực kỳ quan trọng của khoảng 17 triệu dân sống ở 13 tỉnh, thành (chiếm 21% dân số cả nước). Kinh tế thủy sản không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế vùng, mà còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

 Cảnh thu hoạch tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh ở TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng)

Đối với tỉnh Sóc Trăng, sau 30 năm tái lập tỉnh, cùng với sự phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản, ngành chế biến xuất khẩu theo đó càng phát triển, ổn định về thị trường và ngày càng mở rộng. Thống kê cho thấy ngành thủy sản chi phối đến đời sống của trên 50% dân số và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 1,2 tỉ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ thủy sản chiếm tới gần 900 triệu USD. Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản.

 

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh ở Sóc Trăng trong những năm gần đây

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi một số nội dung liên quan đến khả năng hiện thực hóa Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ; thảo luận về chiến lược quy hoạch và cơ chế phát triển vùng nuôi thủy sản dài hạn với sự tham gia của các thành phần trong xã hội để gia tăng sản lượng thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến và hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

 

 Đại biểu tham quan thực tế tại ao nuôi tôm ở TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng)

Về những hạn chế, bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu được đại biểu chỉ ra như: Việc thực hiện quy hoạch của địa phương đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý mà doanh nghiệp, người dân gặp phải. Trước tình hình trên, các ngành và địa phương cần có sự quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu...

Trong đó, cần coi trọng đến những giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản như quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm môi trường nuôi, nhất là nguồn nước phục vụ nuôi tôm, cải thiện và nâng cao chất lượng con giống. Song song với đó là những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản…

Bảo Ngọc (Theo báo Lao động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục