Cộng đồng ngành thủy sản, chăn nuôi, thú y hỗ trợ gần 170 tỷ đồng khôi phục sản xuất

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, những nguồn lực này sẽ đến tận tay những người cần hỗ trợ, đúng người, đúng việc và đảm bảo công khai, minh bạch.

Lo lắng nhất là dịch bệnh

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực có tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng, ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi và thủy sản nói riêng sẽ sớm được khắc phục và duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng, ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi và thủy sản nói riêng sẽ sớm được khắc phục và duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, tính đến 17h ngày 18/9, thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra đã khiến 22.808 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị chết, trong đó 5 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội và Thái Nguyên.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện các địa phương chưa đánh giá được hết giá trị thiệt hại về cơ sở hạ tầng, chuồng trại… Trước những khó khăn hiện nay, địa phương, đặc biệt là các nông hộ mong muốn nhận được sự hỗ trợ đền bù thiệt hại theo đúng quy định; xem xét hỗ trợ vốn đầu tư, giãn nợ, giảm lãi suất…; hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng; hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vacxin phòng bệnh để tái đàn…

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thông tin, theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 23.595 ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão hơn 2.500 tỷ đồng.

Cục trưởng Trần Đình Luân cũng đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản bền vững hơn.

Rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão.

Huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường các vùng nuôi bị ngập, lụt. Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau lũ, lụt ở những vùng bị gập lụt, ô nhiễm…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3 diễn ra sáng 21/9, tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị phối hợp hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sau cơn bão số 3 diễn ra sáng 21/9, tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Thắm.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long bày tỏ lo lắng về nguy cơ dịch bệnh sau bão lũ. “Lo lắng nhất sau bão và mưa lũ là dịch bệnh vì các loại mầm bệnh tồn tại trong môi trường và đàn vật nuôi rất nhiều, có nguy cơ sẽ phát tán và lây lan”, ông Long nói.

Theo đó, ông Long cũng đề xuất Bộ NN-PTNT ban hành văn bản chỉ đạo và yêu cầu tất cả lực lượng, các cấp hỗ trợ cho người dân các biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đồng thời, tiến hành rà soát tiêm phòng ngay cho đàn gia súc và gia cầm để không phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vacxin, thuốc thú y không được phép tăng giá, thậm chí còn phải có chính sách giảm giá để đồng hành cùng bà con.

Đề xuất trồng rong biển để sớm khôi phục sản xuất

Tại Hội nghị, một số hội, hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã đưa ra những đề xuất và giải pháp cụ thể để khôi phục ngành chăn nuôi và thủy sản sau cơn bão số 3 vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho hay, lĩnh vực nuôi biển đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 3 và mưa lũ vừa qua. Để hỗ trợ bà con tái sản xuất, không nuôi tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ khó khăn trong việc giao khu vực biển cho người dân để có sơ sở đầu tư; ban hành quy chuẩn mà những người nuôi biển phải thực hiện.

Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP cho biết, DBLP hỗ trợ 1 triệu cây rong giống để giúp bà con tái sản xuất. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP cho biết, DBLP hỗ trợ 1 triệu cây rong giống để giúp bà con tái sản xuất. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP cho biết, DBLP là công ty duy nhất hiện đang sản xuất giống rong sụn nuôi cấy mô thành công tại Việt Nam. Trước mắt, công ty sẵn sàng hỗ trợ 1 triệu cây rong giống để giúp bà con tái sản xuất. Theo ông Phương, người nuôi trồng thủy sản hiện gần như không đã còn vốn để tái sản xuất nên trồng rong biển là hướng đi có thể cân nhắc đến vì nó tiết kiệm, không phải cho ăn như loài thủy sản khác.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, Cục Thủy sản và Cục Chăn nuôi cùng bàn với các hội, hiệp hội ngành hàng để sớm tổ chức hội nghị hỗ trợ cho ngành thủy sản và chăn nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gửi lời cảm ơn chân thành đến các doanh nghiệp, hội, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, cá nhân đã dành thời gian, công sức, vật phẩm và tiền bạc ủng hộ trong thời gian qua. Thứ trưởng khẳng định những nguồn lực này sẽ đến tận tay những người cần hỗ trợ, đúng người, đúng việc và đảm bảo công khai, minh bạch.

Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão hơn 2.500 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Nguyễn.

Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão hơn 2.500 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Nguyễn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: “Điểm tựa của Việt Nam là 100 năm Đảng lãnh đạo, đoàn kết nhất trí toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, lá lành đùm lá rách, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, truyền thống đoàn kết hàng nghìn năm tạo thành sức mạnh, một lần nữa kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi và thủy sản nói riêng”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng, với sự vào cuộc của Bộ NN-PTNT và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con, ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi và thủy sản nói riêng sẽ sớm được khắc phục và duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. 

Theo Cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y, tính đến thời điểm này, ngành thủy sản đã nhận được gần 85 tỷ đồng, ngành chăn nuôi gần 79 tỷ đồng và ngành thú y gần 2,4 tỷ đồng từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống, chất xử lý cải tạo môi trường… nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục