Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Ngày 04/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/5/2024); ngày 05/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản. Hai Nghị định nêu trên có nhiều quy định mới, trong đó có quy định trách nhiệm của Doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” (khoản 36 Điều 1 Nghị định số 37/2024/NĐ-CP); “Phạt tiền đối với hành vi trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước và thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường có yêu cầu cần xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác …” (khoản 4 Điều 42 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP). Quy định này xuất phát từ việc xác minh vi phạm về xuất xứ 7 tấn cá kiếm của doanh nghiệp, EC cho là “rửa cá”. Do vậy, quy định để đảm bảo việc kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, chế biến xuất khẩu đi châu Âu, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ lô hàng xuất khẩu theo yêu cầu của EC. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, VASEP cho rằng quy định nêu trên gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ rà soát quy định mới tại các Nghị định nêu trên sau đợt thanh tra lần thứ 5 của Uỷ ban Châu Âu, bao gồm quy định về trộn lẫn nguyên liệu và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến trộn lẫn nguyên liệu và các quy định khác có liên quan. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn mới ban hành.