Ngày 06/11/2024, các Hội/Hiệp hội thực phẩm đã nhận được công văn số 520/CLCSYT-XHHYT&DS của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, đề nghị tiếp tục thực hiện nội dung công văn 471/CLCSYT-XHHYT&DS về việc thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến chi phí phát sinh khi thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP và đầu mối liên hệ của các doanh nghiệp thành viên nhằm đánh giá tác động của chính sách này.
Trước hết, các Hội/Hiệp hội chân thành cảm ơn Quý Viện đã quan tâm đến các kiến nghị và quan ngại của chúng tôi, đặc biệt là tại cuộc họp với Bộ Y tế ngày 30/10/2024. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng kết quả của cuộc họp vẫn chưa phản ảnh đầy đủ và chính xác các quan ngại và kiến nghị chính mà chúng tôi đã trình bày trong nhiều văn bản, cuộc họp trước đó. Vì vậy, ngày 05/11/2024, chúng tôi đã có văn bản gửi đến Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ban Soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016, Văn phòng Chính phủ cùng một số Bộ, ngành để tái khẳng định rõ ràng quan điểm nhất quán của các Hội/Hiệp hội.
Qua trao đổi và thống nhất ý kiến, chúng tôi nhận thấy các nội dung đề nghị của công văn 520 từ Quý Viện hiện chỉ tập trung vào đánh giá yếu tố “chi phí phát sinh” đối với doanh nghiệp, trong khi nhiều vấn đề quan trọng khác vẫn chưa được xem xét đầy đủ và đưa vào phạm vi đánh giá. Do đó, chúng tôi kiến nghị Quý Viện xem xét khẩn trương bổ sung, mở rộng nội dung khảo sát, đánh giá tác động chính sách quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phản ánh đúng và toàn diện những tác động của chính sách, qua đó giúp xây dựng một quy định hành chính khả thi, công bằng và phù hợp với thực tiễn. chúng tôi xin nêu lại 07 vấn đề chính sau đây và đề nghị Quý Viện xem xét bổ sung vào nội dung khảo sát, báo cáo tác động chính sách:
1. Đánh giá tác động đối với thực phẩm xuất khẩu và khả năng đáp ứng các yêu cầu thị trường quốc tế khi áp dụng quy định tại khoản 1 điều 6 Nghị định 09/2016.
2. Đánh giá tính hiệu quả của chính sách bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến: Chi phí cao nhưng hiệu quả thực tế chưa rõ ràng khi sản phẩm thực phẩm thành phẩm không còn I-ốt.
3. Đánh giá tác động về khả năng cung ứng muối tinh khiết đạt chuẩn cho xuất khẩu
4. Đánh giá tác động của quy định bổ sung I-ốt đối với sản xuất nước mắm truyền thống: Nguy cơ làm mai một di sản văn hóa và phương thức sản xuất đặc trưng
5. Nguy cơ cạnh tranh bất bình đẳng giữa thực phẩm nội địa và hàng nhập khẩu: Tác động đến doanh nghiệp trong nước
6. Quan ngại về quyền lựa chọn công bằng trong bảo vệ sức khỏe: Rủi ro và tác động đối với người dân đã đủ hoặc thừa I-ốt.
7. Ghi nhận chính xác và rõ ràng quan điểm đóng góp của các Hội/Hiệp hội: Đảm bảo thông tin phản ánh đúng thực tiễn đến Chính phủ và các Bộ ngành.