(vasep.com.vn) Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản của Comoros, Madagascar, Mauritius và Seychelles đã tìm cách tăng cường quan hệ của họ tại Hội nghị Thượng đỉnh của Uỷ ban Ấn Độ Dương (IOC).
Các Bộ trưởng đã phân tích tác động kinh tế xã hội tiềm tàng, mà một số chính phủ khác đã đề xuất cho phiên hộp lần thứ 26 của Uỷ ban Cá ngừ Ấn Độ Dương (IOTC) được tổ chức vào ngày 16-20/05/2022, có thể có đối với cộng đồng ven biển của các nước này. Các Bộ trưởng cũng đã gặp gỡ các đại diện của các nhóm cá ngừ của Europeche (gồm AGAC/OPAGAC, ORTHONGEL, và ANABAC) để giải quyết tình hình đánh bắt cá ngừ ở Ấn Độ Dương.
Europeche cho biết, lĩnh vực này đã nhấn mạnh trong hội nghị thượng đỉnh về sự đóng góp đáng kể từ đội tàu lưới vây cho nền kinh tế địa phương của các nước IOC.
Trong số 42 tàu lưới vây hoạt động tại khu vực này, có 13 tàu mang cờ của Seychelles và 3 tàu mang cờ của Mauritius. Các tàu đánh cá, cập cảng và sử dụng cơ sở hạ tầng của cảng, nhà máy đóng tàu và các nhà máy sản xuất đồ hộp ở các nước IOC, tạo ra việc làm trong cả chuỗi cung ứng thuỷ sản.
Bốn Bộ trưởng đã ký một “tuyên bố chung” công nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nước IOC phụ thuộc vào nghề lưới vây cho các nhà máy sản xuất đồ hộp của họ “thông qua cách tiếp cận nhất quán và phối hợp để bảo vệ sự phụ thuộc kinh tế của họ và trong việc quản lý nghề khai thác cá ngừ”.
Trong khi đội tàu lưới vây của Seychelles và Châu Âu hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương đã bị giảm 22% sản lượng đánh bắt kể từ năm 2014, một số nước IOTC khác, trong số các nước có sản lượng đánh bắt lớn nhất, đã phấn đối kế hoạch tái tạo lại nguồn lợi cá ngừ vây vàng được sửa đổi vào năm 2021.
Trong phiên họp thứ 26 của IOTC, các nước như Maldives và Kenya đang đề xuất giảm sản lượng đánh bắt cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn xuống thêm 20%, thay vì xem xét các loại ngư cụ. Các nước này cũng yêu cầu đóng cửa ngư trường đối với nghề đánh bắt bằng thiết bị dẫn dụ cá (FAD), mà không có bất kỳ một đánh giá khoa học nào về việc giảm đánh bắt bằng FAD trong vài năm qua. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Môi trường của Comoros nhấn mạnh rằng các đề xuất nên dựa trên cơ sở khoa học.
Bốn Bộ trưởng đã nhất trí về thực tế rằng tất cả các ngư cụ đánh bắt cá ngừ đều ảnh hưởng đến trữ lượng các loài và hệ sinh thái. Do đó, việc sử dụng các ngư cụ cần phải cân đối và tương đương nhau trong bất kỳ quyết định giảm thời gian sử dụng nào của IOTC.