Sản lượng cá ngừ đại dương: Cung không đủ cầu

Mặc dù đội tàu khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Khánh Hòa đang phát triển mạnh, nhưng hầu hết các cơ sở chế biến xuất khẩu loại cá này vẫn thiếu nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Như Đào - Phó chi cục trưởng chi cục thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu. Hiện nay, sản lượng cá ngừ đại dương của ngư dân trong tỉnh khai thác được không đủ làm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hòa - Phó giám đốc công ty TNHH thực phẩm Mãi Tín (TP. Cam Ranh) cho biết: “Công ty chúng tôi chủ yếu sản xuất các mặt hàng cá ngừ đại dương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay, sản lượng cá chúng tôi thu mua mỗi tháng chỉ khoảng 80 - 100 tấn, trong khi nhu cầu cao hơn nhiều. Để đảm bảo nguyên liệu cho xuất khẩu, chúng tôi đang tập trung thu mua ở Nha Trang, Phú Yên, Bình Định chứ không nhập khẩu nguyên liệu như một số doanh nghiệp khác”.

Ông Nguyễn Đình Hậu - Phó giám đốc công ty TNHH hải sản Bền Vững (khu công nghiệp Suối Dầu) chia sẻ: “Năm 2016, công ty chế biến xuất khẩu hơn 1.000 tấn cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 60%, còn lại phải nhập khẩu từ các đối tác nước ngoài. Đầu năm 2017, tình hình nguyên liệu cho chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu cũng không mấy khả quan, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị, nhất là việc ký kết các đơn hàng mới. Đơn vị đang đàm phán nhập khẩu cá ngừ đại dương từ các nước khác về để chế biến nhưng giá khá cao, nên phải thận trọng”.

Thực tế hiện nay, trong khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân trong và ngoài tỉnh khi cập cảng Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), sản lượng cá tuy đạt 30 - 40 con/chuyến nhưng trọng lượng lại thấp. Ông Nguyễn Văn Phúc - chủ tàu cá ở Hòn Rớ so sánh: “Trước đây, mỗi chuyến vươn khơi khai thác, cá ngừ câu được rất lớn, trung bình 60 - 70kg/con. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi chủ yếu câu được cá nhỏ, loại 30 - 35kg/con. Chính vì cá nhỏ, nên dù số lượng cá câu được nhiều nhưng sản lượng của mỗi chuyến biển không cao”. Theo lý giải của ông Phúc, có thể ngư trường khai thác cá ngừ đại dương vây vàng mắt to có sự biến đổi, đã vượt ngưỡng cho phép nên sản lượng khai thác được ngày một ít dần đi. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban quản lý cảng Hòn Rớ cũng xác nhận, từ cuối năm 2016 đến nay, hầu hết các tàu câu cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ đều câu được cá loại nhỏ.

Thực tế trong chế biến, cá ngừ đại dương loại nhỏ không thể đảm bảo đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo lãnh đạo công ty TNHH thực phẩm Mãi Tín, đơn vị chỉ thu mua cá ngừ đại dương có kích cỡ lớn để phục vụ xuất khẩu tươi. Để hỗ trợ ngư dân khai thác cá ngừ đạt kích cỡ, chất lượng, công ty đã có những chính sách khuyến khích như: Tăng giá thu mua cho ngư dân, hỗ trợ thay đổi cách bảo quản…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Khánh Hòa có 1.236 chiếc tàu khai thác xa bờ; tàu tham gia hoạt động khai thác cá ngừ là 483 tàu (chiếm 40%); sản lượng cá ngừ đại dương vây vàng mắt to mỗi năm khoảng 4.000 tấn. Để nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương, chi cục thủy sản đang triển khai các mô hình liên kết theo đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Trong đó, chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ giữa công ty TNHH Thịnh Hưng và tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng với hơn 40 chủ tàu tham gia đang cho thấy hiệu quả cao, góp phần cải thiện năng suất và chất lượng cá ngừ đại dương khai thác. Chi cục thủy sản đang tiếp tục củng cố mô hình liên kết này, triển khai thực hiện thêm 3 mô hình chuỗi liên kết khác giữa các đội tàu hoạt động khai thác cá ngừ với các doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Tín Thịnh, công ty TNHH Hoàng Hải và công ty cổ phần Foodtech - Công ty TNHH Lê Trứ.

Hy vọng, với những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ đại dương đang được triển khai, hiệu quả khai thác của ngư dân sẽ được nâng cao, chất lượng cá được đảm bảo. Qua đó, góp phần đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến cá ngừ đại dương vây vàng mắt to cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, kim ngạch đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đến từ khai thác và nuôi trồng của tỉnh chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của các doanh nghiệp.

Báo Khánh Hòa

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục