Phú Yên tập trung nâng chất chuỗi cá ngừ

Phú Yên là một trong ba tỉnh duyên hải miền Trung được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Đến nay, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng tỉnh cũng vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên. Ông Phương cho biết:

Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt kế hoạch triển khai đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, tỉnh Phú Yên đã cử 2 cán bộ tham gia nhóm công tác triển khai thí điểm đề án này của Tổng cục Thủy sản. Tính đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định công bố hoạt động của 2 chuỗi cá ngừ trên địa bàn gồm: chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty CP Bá Hải và chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty TNHH Nguyễn Hưng.

Tình hình hoạt động của 2 chuỗi cá ngừ đã được công bố hiện nay ra sao, thưa ông?

Ngày 17/4/2015, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND công bố chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty CP Bá Hải. Chuỗi này do Công ty CP Bá Hải chủ trì, hợp đồng liên kết thu mua sản phẩm khai thác và dịch vụ hậu cần, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm với 8 tổ đoàn kết sản xuất trên biển có 72 tàu tham gia. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, mô hình này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp chưa vay được nguồn vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đầu tư cải tiến công nghệ tại nhà máy và trên các tàu khai thác; hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ nên ngư dân không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán qua các đầu nậu làm tăng giá mua nguyên liệu; Công ty CP Bá Hải khó khăn về tài chính nên rất khó vay được vốn các ngân hàng thương mại...

Ngày 14/6/2016, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 278/QĐ-UBND về việc công bố chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty TNHH Nguyễn Hưng. Công ty này liên kết tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa với 25 tàu cá trong tỉnh Phú Yên (trong đó có 5 chiếc đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP) và hàng trăm tàu khác từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi. Hiện, Công ty TNHH Nguyễn Hưng đang làm thủ tục vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để đóng tàu dịch vụ hậu cần trên biển đi theo các tổ đội liên kết.

Ngoài 2 chuỗi liên kết của hai doanh nghiệp trên, Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên còn vận động các doanh nghiệp trên địa bàn như Lợi Anh, Hồng Ngọc, Công ty CP Đầu tư thủy sản Tập Đoàn Biển... tham gia thực hiện thí điểm liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, vận động hoàn thiện mô hình liên kết khai thác cá ngừ bằng nghề lưới vây với dịch vụ hậu cần thu mua sản phẩm trên biển.

Như vậy, về cơ bản, việc triển khai đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” ở Phú Yên vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn?

Trong quá trình triển khai đề án, UBND tỉnh Phú Yên đã chú trọng đầu tư, nâng cấp cảng cá Đông Tác (cảng cá loại I) thành cảng cá ngừ chuyên dụng; đầu tư, nâng cấp một số hạng mục hậu cần ở các cảng cá khác trên địa bàn như Phú Lạc, Tiên Châu, Dân Phước... Ngư dân địa phương cũng ngày càng quan tâm ứng dụng công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản như: Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ khai thác, nuôi trồng trên các vùng biển xa, Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch... để hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về cơ bản, việc triển khai đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” ở Phú Yên còn gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể, do năng lực tài chính của Công ty CP Bá Hải, việc tổ chức liên kết để thu mua giữa công ty với các chủ tàu khai thác trong chuỗi chưa mang lại kết quả như mong đợi. Một số doanh nghiệp có mạng lưới thu mua, thị trường xuất khẩu tốt, có tổ chức liên kết truyền thống theo mô hình “nậu, vựa” rất chặt chẽ nhưng ít quan tâm đến đề án xây dựng mô hình liên kết chuỗi do còn quan ngại các thủ tục. Các doanh nghiệp thường không mua sản phẩm theo loại mà chủ yếu mua xô nên nhiều chủ tàu chưa mặn mà đầu tư cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu. Các dịch vụ nước đá, xăng dầu còn nhỏ lẻ, manh mún không tập trung tại các cảng theo quy hoạch nên không kiểm soát được chất lượng; phương tiện xếp dỡ còn thủ công lạc hậu, kéo dài thời gian, làm giảm chất lượng tại cảng lên trên 25%; luồng lạch một số cảng thường bị bồi lấp, ảnh hưởng đến việc xuất nhập bến tiêu thụ sản phẩm...

Trước những khó khăn nêu trên, Phú Yên có giải pháp nào để tháo gỡ, thưa ông?

Phú Yên sẽ cơ cấu lại đội tàu khai thác thu mua cá ngừ theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời hướng đến việc hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ để tạo liên kết theo chuỗi giá trị từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng sẽ tiếp tục vận động ngư dân tổ chức sản xuất trên biển theo tổ/đội; khuyến khích phát triển đội tàu thu mua hải sản trên vùng biển xa bờ.

Về tổ chức - cơ chế chính sách, thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các hình thức liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động khai thác, vận chuyến trên biển nhằm nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm của cá ngừ. Hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân đổi mới công nghệ, kỹ thuật và bảo quản sản phẩm; tổ chức tổ đội sản xuất trên biển cùng phòng chống bão, cứu hộ cứu nạn, chủ động tích cực tham gia phối hợp với bộ đội hải quân, biên phòng, cảnh sát biển trong bảo vệ quốc phòng an ninh trên biển. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nghề khai thác cá ngừ, trong đó quan tâm đến các chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng đội tàu khai thác cá ngừ đại dương và khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa đội tàu lưới vây rút chì (kể cả vây ánh sáng và vây ngày). Đồng thời tăng cường quản lý đăng ký đăng kiểm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tham gia khai thác thủy sản.

Về cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá, tỉnh đang có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các cảng cá; nạo vét chỉnh trị luồng lạch vào cảng; đầu tư xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên; sắp xếp quy hoạch các cơ sở thu mua sơ chế bảo quản sản phẩm ở các cảng cá, bến cá đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định. Đồng thời phát triển cơ sở đóng sửa tàu thuyền tại thị xã Sông cầu, xã Hoà Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) và phường Phú Đông (TP.Tuy Hòa)..., đảm bảo đủ năng lực để đóng, sửa các tàu khai thác nghề câu cá ngừ đại dương, mành chụp và nghề lưới vây rút chì.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, sắp tới, Phú Yên sẽ triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 116/KH-UBND của UBND tỉnh về việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ; tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cá ngừ đại dương khai thác bằng nghề câu vàng theo chuỗi theo hướng được quy hoạch, có điều kiện, có kiểm soát, hiệu quả và phát triển bền vững. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên; củng cố và phát huy hoạt động của Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên nhằm tổ chức điều phối chung toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm cá ngừ nghề câu trong tỉnh; thống kê thu thập số liệu cá ngừ nghề câu, đảm bảo sản phẩm cá ngừ câu vàng được kiểm soát và truy xuất nguồn gốc. Thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, trang thiết bị... cho chủ tàu hoạt động nghề khai thác thủy sản ở vùng biển khơi xa nói chung và nghề câu cá ngừ đại dương nói riêng. Phối hợp nâng cao chất lượng dự báo cũng như phương thức cung cấp thông tin về ngư trường cho các thuyền trưởng đang hoạt động trên ngư trường, đảm bảo 100% tàu câu cá ngừ đại dương được cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi... có chất lượng.

Hy vọng, khi những giải pháp nói trên được thực hiện đồng bộ, đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” sẽ phát huy hiệu quả, giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm cá ngừ, nâng cao thu nhập cho ngư dân, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Qua đó giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, yên tâm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao thương hiệu sản phẩm cá ngừ của Việt Nam...

Xin cảm ơn ông!

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên, tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 4.104 tàu cá, trong đó có 1.104 tàu cá công suất từ 90CV trở lên, đặc biệt có 343 tàu công suất từ 400CV trở lên. Cá ngừ chủ yếu được ngư dân địa phương khai thác bằng cách câu, vây, lưới rê và mành chụp, sản lượng khai thác trong năm 2016 đạt hơn 4.200 tấn. Bên cạnh kinh nghiệm truyền thống, ngư dân còn ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản cá ngừ như trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy dò quét cá, dụng cụ làm choáng cá, mồi mực giả, lưỡi câu vòng, hầm bảo quản sản phẩm khai thác bằng vật liệu P.U... để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

(Theo KTNT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục