'Nữ hoàng' cá ngừ đại dương

Đó là cái tên mà nhiều bạn hàng Đài Loan yêu mến đặt cho bà, Giám đốc Cty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) Cao Thị Kim Lan.

Bà chính là người tạo dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định tại thị trường Nhật Bản.

Năm 2014, bà Cao thị Kim Lan tháp tùng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Hữu Lộc (giờ đã nghỉ hưu) sang Nhật Bản để tìm “đường đi” cho cá ngừ đại dương (CNĐD) Bình Định.

Trong chuyến công tác này, bà Lan nắm được thông tin mỗi năm các nước Philippines, Malaysia, Indonesia xuất khẩu (XK) CNĐD sang Nhật Bản hàng tấn, trong khi đó CNĐD của Việt Nam chỉ XK sang đây được khoảng hơn 1.000kg/năm.

Những con số nói trên đã “đốt” lòng bà. Bởi bà nghĩ, đánh bắt CNĐD là nghề chính của đa số ngư dân Bình Định. Riêng năm 2015, ngư dân tỉnh này đã đánh bắt được gần 9.000 tấn, ấy vậy mà mỗi năm chỉ XK sang Nhật được có hơn 1.000kg.

“Lúc ấy tôi cảm thấy tự ái ghê gớm, trong lòng dấy lên quyết tâm phải đưa CNĐD của Bình Định thâm nhập thị trường Nhật Bản. Chúng ta có lợi thế và tiềm năng, CNĐD như là “lộc biển”, nhưng cứ làm đông lạnh thì giá trị chẳng là bao, phải xuất tươi thì mới hiệu quả”, bà Lan nhớ lại.

Bidifisco là đơn vị chuyên làm đông lạnh XK, mặt hàng CNĐD là sản phẩm chính, chiếm 60 - 70% trong tổng sản phẩm XK. Ví như trong năm 2015 vừa qua, kim ngạch XK của Bidifisco đạt gần 53 triệu USD với 96.000 tấn sản phẩm, trong đó riêng CNĐD chiếm đến hơn 6.000 tấn sản phẩm, tiêu thụ gần 11.000 tấn nguyên liệu.

Mặc dù sản lượng CNĐD đánh bắt được hàng năm tại Bình Định là khá lớn, nhưng do cá có chất lượng kém nên từ năm 2007 đến nay, Bidifisco luôn phải nhập khẩu 6.000 - 7.000 tấn nguyên liệu/năm mới đủ đáp ứng năng lực SX và các đơn hàng.

Khi đặt chân vào lĩnh vực XK CNĐD nguyên con sang Nhật, Bidifisco đã tham gia ngay vào chuỗi nâng cao chất lượng CNĐD, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ngư dân và hỗ trợ giá, rồi cùng với Chi cục Thủy sản Bình Định tập huấn cho ngư dân kỹ thuật đánh bắt, xử lý, bảo quản CNĐD theo công nghệ mới do Nhật Bản chuyển giao. Nhưng do ngư dân không tuân thủ nghiêm cẩn các bước kỹ thuật, chất lượng cá đạt kém, nên mấy chuyến XK CNĐD nguyên con đầu tiên Bidifisco lỗ chỏng gọng. Tuy nhiên, bà Lan vẫn phấn chấn: “Tình thiệt là tôi rất mừng vì ngư dân mình đã bắt đầu nghĩ đến chuyện XK cá ngừ chất lượng cao”.

Trong 2 năm 2015 - 2016, CNĐD của Bình Định XK nguyên con đi Nhật được 6 chuyến. Theo đánh giá của bà Lan, tuy số lượng không nhiều nhưng đây là lần đầu tiên cá ngừ của Bình Định có mặt tại thị trường Nhật Bản, có mặt trong các nhà hàng lớn, cá ngừ Bình Định được quảng cáo rầm rộ và được đông đảo khách hàng đến ăn thử món cá ngừ Bình Định.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của bà Lan, hiệu quả XK mặt hàng nguyên con chưa như mong muốn, bởi chất lượng cá còn rất kém, nên số lượng cá được thị trường Nhật Bản chấp nhận chưa nhiều. Bên cạnh đó, chi phí XK CNĐD nguyên con bằng đường hàng không rất cao, chiếm đến 65 - 70% tổng doanh thu.

“Chi phí cao nhất là vận chuyển sản phẩm bằng máy bay từ Quy Nhơn vào TP.HCM rồi từ TP.HCM đi Nhật Bản; riêng khoản vận chuyển sản phẩm bằng đường hàng không đã chiếm 30 - 35%. Thêm vào đó là nhiều khoản chi phí khác tại Nhật Bản gồm: Phí nhập khẩu, lưu kho cùng các khoản phí khác 28 - 30% nữa”, bà Lan cho biết.

Chi phí cao là vậy nhưng doanh thu kém. Theo bà Lan, giá bán CNĐD tại Nhật Bản trong năm 2015 bình quân chỉ đạt khoảng 1.200 yên/kg, sang năm 2016 giá có nhỉnh hơn nhưng cũng chỉ 1.284 yên/kg, chia bình quân 2 năm giá bán tại Nhật chỉ 1.201 yên/kg, quy ra là 240.000đ/kg.

Trong khi đó chi phí chiếm đến khoảng 170.000đ/kg (65 - 70%), giá mua nguyên liệu chỉ còn 70.000đ/kg. Do đó, tất cả những chuyến XK CNĐD nguyên con đi Nhật của Bidifisco đều lỗ. Vì vậy, từ đầu năm 2016 Bidifisco cắt không còn hỗ trợ cho ngư dân đối với mặt hàng CNĐD XK, ngư dân chỉ còn nhận được khoản hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định 50.000đ/kg.

Thua nhưng không nãn, không “ăn” được cá ngừ nguyên con, bà Lan chuyển sang XK mặt hàng phi lê cao cấp. Chất lượng những con CNĐD đánh bắt theo công nghệ mới tuy không đạt chuẩn XK nguyên con để người Nhật làm sushi (ăn tươi), nhưng lại được thị trường Nhật Bản chấp nhận với mặt hàng phi lê cao cấp.

Những chuyến hàng CNĐD phi lê đầu tiên sang Nhật được các nhà hàng chấp nhận ngay bởi chất lượng đảm bảo theo yêu cầu với giá bán 2.400 yên/kg.

Để lấy niềm tin với khách hàng, nếu như trước đó 1,8kg cá nguyên liệu Bidifisco làm ra 1kg thành phẩm thì từ chuyến hàng XK thứ 3 Bidifisco làm 2kg nguyên liệu ra 1 kg thành phẩm, thị trường ẩm thực Nhật Bản càng hít mạnh.

Bà Lan tính toán chi li, XK CNĐD phi lê lãi hơn nhiều so với XK CNĐD nguyên con bằng đường hàng không, nhờ giảm được chi phí vận chuyển và chi phí lưu kho. Tính tất tần tật chi phí của mặt hàng phi lê từ chế biến, đóng gói, vận chuyển và cả chi phí nhập khẩu chỉ chiếm 30 - 35% tổng doanh thu.

“Từ khi dự án nâng cao chất lượng CNĐD ra đời, UBND tỉnh Bình Định chỉ mới hỗ trợ cho ngư dân, trong khi Bidifisco tham gia ngay từ đầu nhưng chưa được hỗ trợ gì. Suốt những chuyến XK CNĐD nguyên con Bidifisco đều “gồng” mình “gánh” lỗ. Dù có tâm huyết đến mấy cũng đuối. Bidifisco rất mong được UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển máy bay đối với mặt hàng CNĐD XK nguyên con để Bidifisco tiếp tục đeo đuổi, đẩy mạnh XK mặt hàng này”, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifisco đề xuất.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục