Đó là nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định và chuyên gia thủy sản của Nhật Bản tại hội nghị tổng kết hoạt động chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương (CNĐD), do Sở NN&PTNT tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 31/10.
Theo Sở NN&PTNT, qua 2 năm áp dụng công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu CNĐD, cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp tỉnh và DN tham gia chuỗi liên kết có cơ hội tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại của Nhật Bản, góp phần nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn. 25 ngư dân TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn cũng đã sử dụng thuần thục quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản CNĐD theo kiểu Nhật Bản, chất lượng sản phẩm được cải thiện qua từng chuyến biển.
Tổng sản lượng CNĐD ngư dân khai thác được trên 381,6 tấn, trong đó cá ngừ đạt loại A xuất khẩu nguyên con chiếm 3%, loại B chiếm 85,4%. Sản phẩm CNĐD của Bình Định cũng đã được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản. Tuy nhiên, một số trang thiết bị khai thác CNĐD chưa phù hợp với điều kiện ngư trường, trong khi ngư trường đánh bắt xa đất liền và khả năng áp dụng thiết bị, công nghệ mới của ngư dân còn chưa đồng đều, nên ảnh hưởng đến chất lượng cá sau thu hoạch. Giá sản phẩm đạt chất lượng thu mua để xuất khẩu và cá bán trên thị trường chưa cao, chưa khuyến khích các chủ tàu nâng cao chất lượng sản phẩm.
(Theo báo Bình Định)