Các hiệp hội khẩn thiết xin được đối thoại với Bộ Tài Nguyên Môi trường

(vasep.com.vn) Ngày 23/11/2021, các Hiệp hội, hội đã gửi thư khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ tổ chức một cuộc họp đối thoại với các Hiệp hội để các Hiệp hội có thể nêu các ý kiến chi tiết, giúp hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường để văn bản này có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Tại thư này, trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ để xem xét ban hành, ngoài một số vấn đề đã được tiếp thu, các Hiệp hội, Hội ngành hàng thấy vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết, mà nếu được thông qua, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp, khiến các Hiệp hội vô cùng lo lắng và quan ngại.

Do đó, 12 Hiệp hội, Hội doanh nghiệp đã có thư kiến nghị ngày 8/11/2021 đề nghị Thủ tướng xem xét góp ý của các Hiệp hội, và đề nghị Văn phòng Chính phủ tổ chức đối thoại để làm rõ và giải quyết những quan ngại này. Nhiều tổ chức khác cũng có thư kiến nghị tới Chính phủ ngày 20/10/2011, 4/11/2021 và 9/11/2021.

Tại thư kiến nghị (ngày 8/11), 12 Hiệp hội ngành hàng đã gửi văn bản tới Thủ tướng Phạm Minh Chính tha thiết đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan xem xét nội dung dự thảo theo nguyên tắc Nghị định hướng dẫn chi tiết không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác và mong Văn phòng Chính phủ tổ chức một buổi đối thoại để làm rõ và giải quyết các vướng mắc, quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp.

Dự thảo mới nhất trình Chính phủ, Ban soạn thảo đã sửa một số điểm, nhưng vẫn còn đến 6 vướng mắc, quan ngại nan giải của nhiều ngành hàng được tổng hợp từ cộng đồng DN:

(1) Cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm

(2) Cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và hoạt động của DN

(3) Bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, không có cơ sở pháp lý

(4) Cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải”

(5) Điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam

(6) Lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 01/2025

Ngày 18/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển số 2238/PC-VPCP chuyển các kiến nghị này đến Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét để hoàn thiện Dự thảo, nhưng cho đến nay cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Các Hiệp hội, Hội luôn ủng hộ và cam kết việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để không chỉ hội nhập tốt hơn, môi trường sống tốt hơn mà còn là điều kiện sinh tồn cho các thế hệ tương lai. Do đó, các hiệp hội ngành hàng đặc biệt quan tâm và đã có nhiều góp ý trực tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo trong suốt thời gian qua nhưng cũng không khỏi lo lắng về những hệ lụy nếu dự thảo này được thông qua nhưng không cân nhắc tới các ý kiến mà các hiệp hội ngành hàng đã phản ánh.

Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19

Tạ Hà
Chuyên gia thị trường cá Tra
Email: taha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM